Hồi ở Úc, tôi không thường ngủ trưa, vì thường công việc và học hành kéo dài đến tận chiều tối, giấc ngủ trưa trở nên hiếm dần. Một lý do nữa là mỗi lần ngủ trưa thường là do áp lực công viêc nặng quá khiến mỏi mệt nên phải ngả lưng thiếp đi chứ chẳng phải là một lựa chọn. Thế nên giấc ngủ ban trưa thường nặng nề đầy mộng mị.
Sau mỗi giấc ngủ trưa nặng nề ấy, tôi thường có 1 cơn mơ lúc sắp dậy, lặp đi lặp lại. Tôi mơ về những ngày xưa cũ và nghe rõ ràng 1 âm thanh quen thuộc. Rồi những lúc ấy, sự mềm yếu của 1 lãng tử chưa biết nhớ nhà bỗng trỗi lên, và tôi bắt đầu mơ về những hình ảnh ngày còn bé. Tỉnh dậy, tôi nằm trên giường, mệt mỏi mở mắt không muốn dậy, nghe bên tai thứ âm thanh trong giấc mơ vẫn còn đâu đây: tiếng dao trên thớt. Đó là chị bạn cùng nhà của tôi đang nấu bữa tối trong bếp. Rồi tôi cứ nằm đó mà nghĩ ngợi.
Từ hồi còn rất nhỏ, tôi đã bộc lộ sự chú tâm đến việc nấu nướng. Lúc không đi học, có khi tôi chơi mấy con rô bốt (bứt đầu, bẻ tay chúng nó rồi dùng tua vít ráp lại!), nhưng nhiều lần, tôi hay thập thò ngoài cửa bếp. Căn bếp lúc ấy rất nhỏ, chỉ 2 người đứng đã chật. Cái bếp ngăn cách với gian nhà trước bằng một vách ngăn, chừa một lối đi như cửa nhưng lại không có cánh. Đôi lúc ở đó có cái màn bằng những hạt gỗ xỏ lại, có khi là màn dây nhựa màu trắng và lam. Bếp lúc nhỏ đối với tôi chỉ vỏn vẹn là 1 cái bàn xi măng, trên có kê chạn chén, những chiếc đinh móc nồi, niêu, xoong, chảo và cái bếp dầu lửa màu xanh lá cây đã cũ mà má và ngoại ngày nào cũng châm lửa giữ hơi ấm bữa cơm gia đình. Ở bếp có cửa thông ra ngõ hẻm sau nhà, cạnh cửa là 1 cái sàn được xây thấp hơn nền nhà tầm 5 phân, có vòi nước và lỗ thoát, gọi là sàn lản. Mọi công việc chuẩn bị nấu nướng, từ rửa rổ rau, muối con cá, đến chặt thịt gà, băm hành tỏi và sau đó là dọn rửa, kể cả giặt đồ, đều được thực hiện ở đây.
Má hay ngồi ở đây bằm hành tỏi và thịt heo. Má ngồi trên cái ghế thấp chủm bằng nhựa màu đỏ đã bạc màu, trước mặt là cái thớt gỗ tròn, màu đã thẫm, có những vệt dao và những đốm đen loang lỗ do nước ẩm lâu ngày tạo nên. Tay má cầm con dao phay màu đen đã mài bén băm hành tỏi. Tôi thường thích ngồi lấp ló ngay cửa bếp mà nhìn má làm. Những nhát dao nện trên thớt gỗ "bập bập bập", rồi má dùng lưỡi dao hốt mớ hành tỏi lại, rồi lại bằm, tiếng dao trên thớt lại vang lên, đều nhịp. Má cứ tiếp tục làm công việc đó cho đến khi những tép tỏi vàng hay củ hành tím đã được bằm nhuyễn đựng trong chén. Công đoạn bằm thịt heo cũng tương tự như thế. Má bày những miếng ba rọi đã thái thật nhỏ trên thớt và bắt đầu động tác bằm. Những nhát dao lại lộp cộp gõ trên mặt tấm thớt gỗ, để lại những lằn dọc ngang trên thảm thịt heo. Rồi má lại làm động tác dùng lưỡi dao lật và gom thịt lại thành 1 mớ, rồi lại tiếp tục cái công việc "bộp bộp lộp cộp" đó. Trong chảo to, ngoại đã cho vào muỗng cà phê mỡ heo trắng ngần đang dần tan ra dưới sức nóng của bếp dầu lửa, tiếng hành tỏi xèo xèo trong chảo, ngoại dùng cái sạn bằng nhôm đảo đều, rồi có một món khác thì cho thịt vào đảo. Mùi hành tỏi phi thơm, mùi thịt heo xào bằng mỡ heo thắng cùng tiếng lộp cộp của dao trên thớt gỗ đã theo tôi như một lời ru thời thơ ấu.
Rồi mấy năm sau đó, ngoại theo mấy cậu xuất cảnh sang Mỹ, nhiều năm sau nữa, ba má mua 1 căn nhà mới lớn hơn, chúng tôi vẫn giữ căn nhà cũ và cho thuê. Nhà vốn chỉ sửa để ở chứ không xây lại nên có phần tạm bợ. Phòng của tôi nằm trên gác, có cái cửa sổ ngó ra giếng trời và cũng là sàn lản nơi rửa rau, thịt, cá, chén bát và phơi quần áo. Phòng tôi nằm ngay trên bếp. Đó là những năm cấp 3, lúc đó tôi không thường tụ tập cùng chúng bạn, vì bận việc này việc nọ, chủ yếu muốn ở nhà phụ má phơi quần áo, quét nhà hay trông 2 đứa em nhỏ. Cứ khoảng 10 giờ trưa hoặc 3 giờ chiều là má lại chuẩn bị nấu cơm. Và vẫn thế, cái tiếng lộp cộp ấy vẫn cứ vang lên. Tiếng dao ấy vẫn theo tôi lớn lên, và đôi khi có thể gọi là ám ảnh. Tiếng dao cứ đều đều trên thớt, không nhanh, không chậm, đến tận bây giờ, gần 20 năm trôi qua, nhịp điệu của nó vẫn như ngày nào, nguyên vẹn như hồi má còn là 1 bà mẹ trẻ vừa ngoài 30, giờ đã là người đàn bà quá ngũ tuần.
Đến khi đã là một đầu bếp, tôi vẫn bị ám ảnh bới tiếng dao ấy. Tôi bây giờ dùng loại thớt nhựa và dao tốt bằng thép không gỉ, giá đến cả triệu hoặc mấy triệu đồng một con. Thế nhưng đối với tôi, khi bằm thịt, hành, ngò, tôi vẫn lại dùng chiếc thớt gỗ và con dao to tướng. Từng nhát dao chặt xuống thớt, từng nhát dao gom những mẩu thức ăn lại, và "bộp bộp lộp cộp" trên mặt thớt. Tuổi thơ tôi, thời niên thiếu của tôi đã gắn liền với tiếng dao ấy, và cho đến khi trưởng thành, có nghề nghiệp, tiếng dao ấy vẫn gắn bó với tôi mỗi ngày, như cái nghiệp, dù đôi khi tôi xa má nửa vòng Trái Đất.
Tôi không biết bà nghĩ gì khi bằm những tép tỏi, củ hành đó. Tôi cũng không biết ngoại nghĩ gì khi cho những muỗng mỡ heo vào chảo nóng. Thôi thì với ngoại, với má, đó đã là cái phận đàn bà lui cui trong khói bếp, đã qua cái tuổi xuân sắc của mình, rồi thời trung niên, đến khi tóc đã bạc trắng, vẫn là tiếng dao, là chảo mỡ. Ngoại đã mất mấy năm trước ở Mỹ do căn bệnh ung thư. Má thì tuy chưa yếu nhưng cũng đã không còn nấu ăn mỗi ngày như xưa nữa. Tôi cũng chẳng biết làm gì hơn ngoài cầu cho bà sức khỏe, vì kẻ lãng tử xa nhà có mấy lần biết về thăm cố hương, nghe lại tiếng dao nện trên thớt cũ?
No comments:
Post a Comment