Tuesday, 9 April 2013

Lan man tùy bút (1)

Mua cuốn "Miên man tùy bút" của nữ nhà văn mình yêu thích: Lý Lan. Gặp lúc nhiều phiền muộn, nên thôi mình cũng viết "Lan man tùy bút". Tùy bút mà, muốn viết gì là viết thôi, còn sau này có ai đọc hay không thì lại là chuyện "hạ hồi phân giải".

1. Trưởng thôn Văn Hiệp qua đời. Ông thật ra không phải là 1 trưởng thôn thật sự (trên mặt lý thuyết giấy tờ hành chính) nhưng lại là trưởng thôn của làng hài miền Bắc. Tôi nhớ cách đây không lâu, tôi tình cờ tìm được link xem lại vở hài kịch dài: Gặp nhau cuối năm, những năm đầu, câu chuyên cải biên từ chuyện tình Titanic giữa Rose và Jack, nay được thế bằng Vân Dung và Xuân Bắc. Hầu hết hài miền Bắc, chỉ cần có ai đó í ới gọi "bác trưởng thôn ơi" như trong vỏe này, thì nhất được 99% người xuất hiện là nghệ sĩ Văn Hiệp.

Ông qua đời năm 71 tuổi vì bệnh phổi. Có người nói là 1 điều đáng tiếc. Nhưng xét cho cùng, có ai có thể sống mãi? Ông đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, đã cống hiên cuộc đời mình cho sân khấu Việt Nam, dù ít dù nhiều. Vậy ông ra đi, âu cũng là cái số đã tận, nhưng gì ông đã làm, xin để lại cho hậu thế gìn giữ. 

Xin kinh cẩn ngã mũ trước ông. Mong ông sớm ngày yên nghỉ.

2. Đọc Miên man tùy bút của Lý Lan, có 1 đoạn ngắn kể về ông người bạn ngoại quốc của cô nói đại khái: SG ít chim quá, trừ chim trong lồng. Rồi đột ngột đàn én bay qua: SG luôn đầy những bất ngờ.

Nhớ hồi còn nhỏ (ít nhất cũng 4 tuổi, nhiều lắm thì mười), chiều chiều hay được ba mẹ đưa đi "Bác Hồ" chơi. "Bác Hồ" đây ý nói công viên phía trước UBNDTP, trên đại lộ Nguyên Huệ. Năm đó kinh tế mới mở cửa, mọi thứ còn đang trong giai đoạn chuyển đội từ một xã hội bao cấp sang một nền kinh tế mới. Ba năm đó còn làm cho mấy nhà xuất bản, chạy chiếc Cub honda màu xanh bộ đội. Cũng như bất cứ đứa trẻ nào ở Sài Gòn (hoặc cả Việt Nam), tôi cũng ngồi ở phía trước, co gối và thả mình vào dòng nguời trên đường. Tôi nhớ lắm Nguyễn Huệ khi ấy. Vẫn đâu đó những cửa tiệm với bảng viết sơn, mới hơn thì có bảng mê-ca có bóng đèn. Cửa lúc ấy là cửa sắt kéo tay. Đâu đó là những ngôi nhà "mái bằng đá rửa" đặc trưng của kiến trúc Tây phương miền Nam. 

Nhà tôi ở quận 4, chạy qua cầu Khánh Hội, tới bến Bạch Đằng, rẽ vào đường Nguyễn Huệ. Chạy thêm 1 đoạn sẽ tới bồn binh, cũng là bồn phun nước, bao ngòai bởi những cành liễu phất phơ trong gió chiều. "Bác Hồ" lúc ấy đầy những cha mẹ dẫn con đi chơi chiều, những thợ chụp ảnh tay cầm máy ảnh to đùng, khoác áo kiểu "ghi lê" cọc tay nhiều túi (trở thành biểu tượng của người theo nghề chụp ảnh thời đó), những người bán hàng rong, bán cả những món đồ chơi trẻ con. Tôi mê nhất là con sâu (hay rắn) làm bằng giấy màu, đầu bằng giấy bìa trắng cứng, bên dưới là 1 trục quay được xỏ dây thun, có nối chỉ, đầu kia nối với một que gỗ, khi kéo đi, con sâu giấy đi theo, mà còn có cảm giấc nặng tay như con sâu giấy là 1 vật sống thật. Tượng Bác khi ấy đối với đứa trẻ nít như tôi là cái gì đó to lớn kỳ lạ, tôi mất nhiều nhiều nhiều năm sau đó để nhìn ra bức tượng đó diễn tả cảnh Bác và em bé cùng đọc sách trên cái bàn là phiến đá ngang. Đến tận bây giờ, tôi vẫn hình dung đó là Bác và cậu bé cùng đi xe..... Vespa (loại vespa cũ thời ấy, màu xám, chạy nghe lục cục vui tai). Kể cũng giống chứ.

Và ngoài những lúc được chạy nhảy, thoát khỏi căn nhà trong xóm lao động tản cư, còn đó một kỳ quan của Sài Gòn mà tôi rất thích: đàn chim én. Hồi đó, tôi nào có biết đến việc "én về là xuân về" chi đâu. Chỉ nhớ là chiều chiều, khi hoàng hôn dần tàn, hàng đàn én bay về tổ, ngợp trời khu vực trung tâm thành phố. Chúng làm tổ ở các chung cư cũ, những tòa cao ốc cũ, khách sạn cũ. Số lượng én lúc đó chắc cũng phải đến hàng trăm, có khi cả ngàn con không chừng. Mỗi khi chiều về, én về tổ, từng đàn chim đen kịt bay qua bầu trời gió nhẹ, kêu chíp chíp (hay cái gì đó tương tự), choáng ngợp cả không gian. 

Trong hiểu biết của đứa trẻ thị thành xóm tản cư, chim chỉ có 3 loại: bồ câu ở nhà hàng xóm, chim sẻ nhỏ xíu bay lung tung, và những đàn én đen kịt ở Sài Gòn (cách mà nhiều người gọi trung tâm thành phố). Bọn chim sẻ ngày nào cũng thấy, bọn bồ câu chỉ gù gù và bay bay, không gì lạ. Chỉ có đàn én buổi chiều tà là điểm đặc biệt mà tôi luôn mong ngón mỗi khi được chở đi chơi. Nếu không thấy, tôi luôn tự hỏi: chúng đã đi đâu? Những con chim đen ấy đã đi đâu?

Và bây giờ, tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi ấy: chúng đã đi đâu, những con chim én? Sài Gòn vẫn còn những đàn én, nhưng ngày càng ít, và quả thật là ít hơn hẳn so với những năm đầu thập niên 90. Tôi không rõ là người ta có bắt én như bắt sẻ đi phóng sanh trước chùa không. Tôi cũng không rõ có phải do mỗi trường ô nhiễm đã đuổi đàn én đi không. Nhưng tôi nghĩ chắc có lẽ là do những công trình cũ, nơi bọn én làm tổ, dần dần bị đập đi, phá đi, để xây lại "cho mới". Đến cả Eden mall nổi tiếng cũng đã bị thay bằng 1 trung tâm mua sắm trắng toát và vô hồn, không có gì là đẹp, cũng chẳng ra bất cứ trường phái kiến trúc nào. Khách sạn Rex đã bị đổi mặt tiện, thay bằng những tảng hoa cương lạnh lẽo không có gì nổi bật, bên cạnh là những shop ki-ôt của những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Chanel, YSL,... Đàn én mất tổ và bay đi. Hoặc có lẽ chúng buồn và bay đi. Cũng như cái hồn xưa cũ của Sài Gòn vậy.

Sài Gòn có còn là Sài Gòn không khi mỗi ngày, những dấu tích, đã làm nên tên tuổi của Sài Gòn qua những năm tháng huy hoàng, dần bị thay thế bằng những kiến trúc mới? Người Sài Gòn có còn là người Sài Gòn không khi thói quen mỗi sáng, bên lề đường, nhâm nhi ly cà phê pha phin và trà trong cái ấm nhôm đang mất dần? Sài Gòn bây giờ là Bitexco cao chọc trời, là Vincom vô hồn, là cà phê đóng chai trong siêu thị, là những quán "trà chanh, phô mai que" du nhập từ Hà Nội như cái mốt của giới trẻ, là Starbucks, là Burger King... Cái Sài Gòn đã đi rồi, cũng như đàn én đã đi rồi. Đàn én, mỗi năm đến mùa xuân, lại bay về chốn xưa làm tổ, nhưng cái Sài Gòn, liệu có còn quay về hay chăng? Tôi chỉ mong sẽ không phải đóng vai một "Việt Kiều" quay về nước sau nhiều năm, để rồi thốt lên rằng: đây không phải Sài Gòn, đây chỉ là một vùng đất cũng mang tên Sài Gòn mà thôi.

No comments:

Post a Comment