Saturday, 9 March 2013

Phân loại rác tại gia

Vậy là sau khi ngần ngừ đúng 2 tiếng giữa việc viết blog và đọc sách truyện trinh thám, tôi quyết định viết blog khi còn có cảm hứng. Viết lách là cái gì đó rất ư là quái đản, y chang như người viết vậy, phàm ai viết hay thì cũng khó thoát khỏi trạng thái mơ mộng thái quá hoặc đôi lúc thẩn thơ ngồi ngắm cây bông giấy lao xao trong gió chẳng để làm gì. Mà có hứng thì phải viết, viết nhiều khi cũng chẳng để làm gì, còn khi đã tịt ngòi thì có kề dao trên cổ cũng chỉ nặn ra được dăm ba câu không đầu không đũa. Mà này bạn biên tập dễ thương của tôi ơi, cái này là tôi đang tự sự đấy nhé, đừng đem vào bài đăng làm người ta tưởng tôi bị khùng nhé (mà chắc tôi khùng thật).

Khi nói đến ba chữ "phân loại rác", dân ta thường sẽ có 2 kiểu phản ứng: 1 là xem đây là công việc của ai đó ở đâu đẩu với 1 mớ kiến thức chuyên ngành ghê gớm, 2 là xem là 1 việc tầm thường và hôi thúi, vì người sạch sẽ văn minh, ai lại đi moi rác để nhận mặt mà phân với chả loại? Vấn đề là ở chỗ người Việt Nam vốn đã có tinh thần "phân loại rác" từ rất lâu rồi, chỉ có điều họ không nhận ra mà thôi. Bạn có ngạc nhiên không khi tôi nói chắc chắn bạn đã từng phân loại rác? Để tôi chỉ cho bạn nhé: đó là hồi nhỏ, bạn nghe lời kêu gọi thi đua ở trường mà gom giấy báo cũ làm "kế hoạch nhỏ", đó là khi bạn dọn nhà, để riêng giấy và lon thiếc, lon nhôm ra 1 bên đặng bán ve chai. Tất cả chính là hành động "phân loại rác" nhưng ở 1 hình thức và cấp độ còn khác với xu hướng hiện tại của thế giới mà thôi.

Ở Úc, Anh, Mỹ và nhiều nước tiên tiến, chiến dịch sống xanh và thân thiện môi trường đã đang phổ biến rộng rãi trong dân chúng và chính quyền. Tôi không rõ ở những nước khác thế nào, tôi chỉ nói về Úc, về Melbourne mà tôi biết. Ở xứ chuột túi, phân loại rác đã trở thành không chỉ một công việc tự nguyện mà đã thành luật định. Council (chính quyền địa phương) sẽ phát cho mỗi hộ gia đình 2 cái thùng rác có bánh xe đẩy (loại mà ở SG ta hay thấy công nhân vệ sinh hay đẩy màu cam). 2 cái thùng khác nhau màu nắp: thùng có nắp màu xanh lá cây (thân thùng cũng xanh) là dùng để đựng các rác thải sinh hoạt không thể tái chế, thường bao gồm 2 loại chính: thực phẩm và những thứ bao nhựa, bao nylon. Thùng thân xanh lá, nắp màu vàng là để những vật phẩm tái chế được: giấy, chai, lọ bằng thủy tinh hoặc nhựa tái chế (chai nước tẩy, chai sữa tươi) và lon thiếc, lon nhôm. Ở Úc, không phải bạn muốn dổ rác là đổ, công nhân vệ sinh không đi mỗi ngày thu rác như Việt Nam mà là sáng sớm 1 ngày cố định trong tuần, tùy vào quy định của chính quyền địa phương. Có nghĩa là tối trước đó, bạn có nhiệm vụ kéo thùng rác ra để ở vệ đường, sáng sớm hôm sau, xe rác sẽ tới đổ. rác thải sinh hoạt mỗi tuần đổ 1 lần, rác tái chế 2 tuần đổ 1 lần. Chính phủ Úc cũng rất gắt gao về việc đổ rác, vì số tiền cho việc thu dọn và tiêu hủy rác năm 2012 lên đến 5,2 tỷ AUD, 1 con số chóng mặt. Vậy nên nhà nào cũng vậy, rác phải để vừa thùng, đậy được nắp thì họ mới đổ, nếu rác để ngoài thì nhân viên vệ sinh sẽ mặc kệ. Hay nói cách khác, chính phủ hạn chế số rác thải ra hết mức có thể, nhất là loại rác thải sinh hoạt vốn không thể tái chế. Giữa năm 2011, chính quyền quyết định hạn chế lại việc đổ rác, khuyến khích người dân mua sắm và sử dụng hợp lý nên đã giảm kích cỡ thùng rác sinh hoạt lại còn 2/3 thùng rác trước kia với nắp màu đỏ.

Còn ở những cơ quan, những toà nhà lớn, những nhà hàng lớn hoặc cơ quan chính phủ, việc phân loại rác được đẩy mạnh hơn bằng việc có mấy loại thùng rác khác nhau, tùy vào độ lớn của cơ quan đó, có chỗ lên đến 6 màu: màu đen là thực phẩm, màu đỏ và kim loại, màu xanh lá là thủy tinh, màu vàng là nhựa, màu xanh lam là giấy và màu xám là những thứ không phân loại được. Một khi tất cả đã được quy định đâu ra đấy, thì nhân viên vệ sinh sẽ rất gắt gao trong việc đổ rác, nếu bạn để sai thùng, hoặc cố tình để sai, ví dụ như tuần đó nhà bạn có tiệc tùng, thải ra 1 số lượng lớn rác thải sinh hoạt, vượt quá thể tích cái thùng và bạn lén bỏ vào thùng rác tái chế với ý nghĩ: chắc chẳng ai quan tâm. Thế thì bạn lầm to. Nếu nhân viên vệ sinh phát hiện, họ có quyền không đổ rác và có quyền lập biên bản, gửi giấy phạt về nhà, và những chuyện lôi thôi với chính quyền thật sự khó có thể nào gọi là "dễ chịu" cho được. Đúng như câu "tri pháp phạm pháp, tội nặng gấp đôi". 

Nhiều người, nhất là Việt Nam sang du học luôn thấy khó chịu với việc này và nêu ra lý do: phiền phức quá, rác nào mà chẳng là rác? Nhưng nói đi thì nói lại: hãy nhìn thử nước Úc, Singapore mà xem, luật lệ về đổ rác và xả rác nghiêm ngặt và nặng đến nỗi bạn sẽ bị phạt tiền hoặc làm công ích nên dân chúng dù muốn dù không vẫn phải làm theo, nhưng rồi dần dà, cái gọi là "ép buộc" lại trở thành thói quen, thành cái nếp sống, và ý thức người ta cũng được uốn nắn để biết thiệt và hại. Hạn chế rác thải, phân loại rác loại tại gia đã giúp cho Úc tiết kiệm 1 khoản chi phí lớn trong việc phân loại rác ở nhà máy tiêu hủy và tái chế, tuy chi phí vẫn ở con số khổng lồ nhưng nhờ ý thức của người dân mà đất nước đó không hề có những con kênh đen. Trên đường, dù có rác, cũng nhanh chóng được nhân viên vệ sinh công cộng nhặt lên và dọn tức thì, tuy chưa thể sánh với Singapore - đất nước sạch nhất quả đất nhưng cũng được xem là 1 nơi sạch xanh và thoáng đãng. 

Ở Việt Nam và nhiều nước khác, việc phân loại và hạn chế rác thải được làm qua loa theo kiểu hô hào cho có rồi chẳng ai quan tâm đến kết quả. Và kết quả tất yếu là những định kiến về ý nghĩa của "rác" vẫn ăn sâu trong tâm trí con người bản địa rằng: "Rác là dơ, những người văn minh không đụng đến rác" và "Có rác thì cứ quăng đại, khắc có người nhặt". Tôi sống trong khu lao động tản cư với vô vàn ngõ hẻm suốt 15 năm, sống bên con kênh Tàu Hủ bốc mùi thêm 8 năm, đủ để tôi trải nghiệm sâu sắc những tác hại của rác tích tụ mấy mươi năm qua: mùi hôi thối, rùôi nhặn, muỗi mòng,...

Ở Việt Nam, phong trào tái chế đồ cũ hay nói 1 cách khác là tìm cách tái chế rác thải hiện đang được các bạn trẻ thực hiện rầm rộ bằng việc kinh doanh từ đồ tái chế. Lọ thủy tinh làm lại thành lọ hoa, hay lọ đựng kẹo,... Giấy cũ đem tái chế làm thành sổ, giấy gói hàng, gói hoa, thiệp, bao lì xì,... Nhưng đại đa số vẫn lóng ngóng khi nghe đến việc "phân loại rác".Việc phân loại vốn cũng rất dễ dàng nhưng mang lại hiệu quả trong cả mặt kinh tế lẫn môi trường. Nếu trước nay bạn vẫn hay gom giấy báo cũ, chai lọ cũ để bán ve chai thì ngày nay bạn cũng vẫn chỉ cần làm như thế, chỉ có điều thường xuyên hơn thôi. Cách làm của tôi cũng tương tự như việc chính quyền địa phương Úc phát cho mỗi hộ 2 cái thùng rác, tôi cũng có 2 cái sọt rác để kế bên nhau, 1 dành cho rác sinh hoạt, 1 dành cho rác tái chế. Công việc này thật rất đơn giản trong phạm gi mỗi gia đình, bạn chỉ cần nhớ rõ những loại rác có khả năng tái chế gồm: giấy, chai lọ thủy tinh, vật dụng bằng nhựa, gỗ, kim loại. Còn những thứ khác thì cứ cho hết vào sọt rác sinh hoạt. Và cách giải quyết mớ rác tái chế cũng thật đơn giản. Tuy ở Việt Nam chưa có việc thu hồi rác tái chế trên diện rộng nhưng bạn có thể áp dụng những cách sau: đơn giản nhất là đem đi bán ve chai, ở xóm nào cũng có mấy bà ve chai đi ngang để thu mua rác tái chế, hay nói theo kiểu bình dân học vụ thì là "ve chai". Còn nếu bạn có đầu óc kinh doanh có thể đem chúng đi tái chế để sử dụng như bình nhựa có thể rửa lại, đựng nước chín chẳng hạn, hoặc bạn khéo tay thì sau khi trang trí có thể đem bán trên mạng. Nếu không, bạn có thể lựa ra những thứ như mấy cái tách cũ, miếng phản gỗ cũ hay mấy chai lọ thủy tinh và đem rao bán hoặc cho trên mạng. Bạn sẽ ngạc nhiên là nhiều người sẵn sành bỏ tiền mua những vật vứt đi ấy. Có thể người ta mua về tái chế kinh doanh, có thể dùng làm đạo cụ quay phim hoặc chụp ảnh. Tôi biết rõ những nhiếp ảnh gia chuyên săn lùng những tấm gỗ cũ và đẹp để làm nền chụp ảnh, nên loại này rất đắt hàng.

Mà nói túm lại, phân loại rác hoàn tòan không phải thứ gì khó, cũng chẳng phải việc dơ bẩn hay ghê gớm, nói theo cách bình dân Việt Nam thì chính là: gom ve chai đi bán. Công việc chẳng tốn của bạn bao nhiêu thời gian (30 giây mỗi khi vứt rác?) nhưng hiệu quả có nó về mặt kinh tế lẫn môi trường đều to lớn như nhau. Việc phân loại rác tại gia có thể giúp việc tiêu hủy rác được thuận tiện hiện, tránh đi vào lối mòn: "đem đốt tất" hoặc "đem chôn tất", cá biệt còn có loại rác "đem đổ biển tất", việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự biến đổi khi hậu, tưởng ít mà nhiều. Mà về mặt kinh tế vĩ mô, nhà nước đỡ tốn 1 khoản tiền thuế lớn của nhân dân đổ vào việc phân loại rác thải, về mặt kinh tế vi mô thì bản thân người phân loại có thể kiếm tí tiền từ những "ve chai" đó. 

Mách nhỏ khác: những thứ rau dập, lá dập hay rau cải thừa, bạn có thể cho vào thùng với phân bón để ủ phân trồng cây, rất tốt, lại 1 kiểu sống xanh "quay lại thời tự cung tự cấp".

(Bài đăng mục "Sống xanh mỗi ngày" trên trang Chiến dịch 350 VN - 1 trang web về chiến dịch sống xanh và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, hoạt động biến đổi khí hậu tại Việt Nam -  ngày 9/3/2013) 

No comments:

Post a Comment