Thursday, 11 April 2013

Lan man tùy bút (2)

3. Sài Gòn trở gió. Trời ấm, không nóng, cũng chẳng lạnh, chỉ có gió thổi ào ào cùng những đám mây dày vần vũ. Người Sài Gòn đợi mưa? Hay người Sài Gòn mong nắng?

Nếu là một ngày mưa, tôi thích ngồi ngả lưng ở một nơi nào đó, cao cao, có cửa kính để nhìn xuống những con phố nhạt nhòa qua làn mưa. Có khi, tôi thích ngồi co chân trên ghế sofa, đầu ngả nghiêng, đọc 1 cuốn tản văn. Cũng có khi, tôi thích ngồi bên bậu cửa sổ (nếu có), nhìn những giọt mưa vỗ vào cửa kính, thấy nước chảy nhạt nhòa trên kính, muôn hình vạn trạng không khác gì những bông tuyết diệu kỳ. Mọi thứ nhạt nhòa trong mưa, chẳng cần rượu, người ta vẫn có thể thấy được sự nhạt nhòa của thế giới xung quanh. Ánh đèn đường vàng xanh đỏ nhòe thành những điểm ảnh trong mưa, tạo nên những điểm "bokeh" đẹp tuyệt vời. Âm thanh thành phố chìm khuất trong những cơn mưa. Đâu rồi tiếng ầm ầm những chiếc xe tải chạy trên đường? Đâu rồi tiếng lọc cọc xe đạp trong hẻm nhỏ? Đâu rồi tiếng rao hàng rong giữa trưa hè? Đâu rồi những âm thanh thân quen? Tất cả đã chìm trong màn mưa rồi, đã chìm trong tiếng mưa rồi. Chúng hòa vào nhau, làm cho mưa càng nặng nề, trĩu năng. 

Tôi không biết bà cụ người Trung bán vé số đang làm gìtrong cơn mưa. Bà có đang mặc áo mưa nylon, đôi nón lá và tiếp tục đi rao vé số trong những quán cafe như trong đa số những bộ phim? Tôi không biết em bé đánh giày ở ngã tư đó đang làm gì. Em đang đục mưa dưới một mái hiên, hay đang co ro trong 1 căn nhà cũ mái tôn rỉ rả dột nước? Tôi cũng không rõ những người dưng mà tôi vẫn gặp đó như thế nào khi cơn mưa về. Hàng rau có còn ở đó? Quầy thịt có bán được hàng không? Có người bảo tôi dư hơi, sao lại đi mông lung nghĩ về những người mà tôi thậm chí không biết tên? Tôi không đáp được, mà có lẽ tôi cũng chẳng có gì để đáp, không đủ ngôn từ để trả lời. Thôi thì cứ mặc kệ tôi đi, xem như tôi bị hâm khi trời mưa lại đi băn khoăn về người dưng nước lã. 

Tôi thích một trưa hay chiều mưa, khi mình không cần phải ra đường. Cho dù mỗi khi trời mưa, tôi thấy bản thân mình cô đơn, trống trải và lạnh lẽo giữa bầu trời xám cùng tiếng mưa rào rào ngoài hiên. Nhưng tôi cho là giữa cuộc sống bộn bề vội vã này, một chút cô đơn là cần thiết, để người ta tự vấn bản thân mình, cũng như với tôi: là để băn khoăn về những con người tôi không nhớ mặt và chưa hề biết tên. 

4. Ngồi trong quán, ngắm ngã ba Đề Thám và Phạm Ngũ Lão xe chạy băng băng. Tôi nhấm nháp ly cà phê sữa của mình, tự mình đắm chìm trong những ca khúc Trịnh qua giọng ca của Khánh Ly. Rất Sài Gòn. Có chăng là tôi đang ngồi trong 1 quán cà phê sang trọng có máy lạnh, có cửa kính to, có sofa (tôi đang ngồi), và quây quanh tôi là rất nhiều "ông Tây bà đầm" đang trò chuyện về cuộc hành trình đã qua và sắp tới. Đôi lúc, tôi nghe loáng thoáng ai đó than rằng: Sài Gòn nóng quá, như đổ lửa ban trưa. Tôi cười thầm và tự nhủ: ít ra Sài Gòn vẫn còn giữ được chút gì đó.

Tôi hay nhớ. Tự mình đắm chìm vào những vùng ký ức xa xưa không thể gọi tên. Có người gọi nó là tuổi thơ. Nhưng tuổi thơ tôi, không gắn liền cùng bạn bè với những trò chơi, những con diều hay viên bi màu (tôi thú thật là không biết bắn bi hay tạc lon). Tuổi thơ của tôi là bạn cùng sách, những trưa hè không ngủ ngắm mây từ cửa sổ gác nhỏ, hương cà phê sữa mới pha, tiếng dao chặt trên thớt, nhạc Trịnh từ cái máy hát mà ba đã dành dụm mãi mới mua được. Tôi có những chiều tuổi thơ ngồi ngắm những cành xanh lá dưới ánh tịch dương trên sân thượng, nơi gió lồng lộng thổi, và tôi, một đứa trẻ thành thị xóm lao động, cô lập và tự lập, thích nhìn thế giới thu nhỏ từ sân thượng, để tự huyễn hoặc rằng: mình đang ở rất cao (cao nhất xóm).

Tôi nhớ đó là 1 buổi sáng lúc tôi khoảng 5 tuổi. Tôi được cậu Sáu chở đi uống cà phê. Tuy quãng đường từ nhà ra đó chỉ vài trăm mét, băng qua 1 cái chợ là tới, nhưng với 1 đứa trẻ nít 5 tuổi, đó là 1 quãng đuờng phiêu lưu. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in góc nào có bà bán cá, chỗ nào bán thịt bò, ở đâu bán bún, nơi nào có tiệm bán bánh su dọc theo con đường chợ. Tôi nhớ cậu Sáu có cái xe đạp sườn thẳng. Cậu, như những người cậu khác, hay như những người đàn ông thời bấy giờ, có vóc dáng mảnh dẻ, mặc chiếc áo sơ mi, quần tây xám, mái tóc dài bồng bềnh lãng tử. Cậu đúng là người lãng tử thật, câu biết chơi đàn vĩ cầm, biết thổi kèn harmonica, biết làm mấy món thủ công tinh xảo và cũng rất văn thơ lãng mạn. Quán cà phê, như bất kỳ quán cà phê lề đường nào của Sài Gòn đầu thập niên 90, một nét đặc trưng của Sài Gòn từ những năm tháng huy hoàng, nằm trên vỉa hè, có những cái bàn gỗ xếp nhỏ, ghế đẩu bằng gỗ nhỏ, cát sét phát nhạc Trịnh với tiếng ca của Khánh Ly hay nhạc Ngô Thụy Miên. Cà phê pha phin nhôm. Ly cà phê sữa nhỏ, dưới có chế sữa Ông Thọ, phin cà phê nhôm bên trên được rót đầy nước sôi, nhỏ từng giọt cà phê đen xuống. Có người gọi đó là một nghệ thuật, và người Sài Gòn, ngồi trên vỉa hè, ngắm xe chạy, ngắm những giọt cà phê tí tách rơi trên lớp sữa vàng, chia chiếc ly thủy tinh thành 2 màu, chính là những người nghệ sĩ. Một buổi trình diễn chẳng đáng bao tiền. Nhưng nó gần gũi và đi vào đời sống của biết bao thế hệ người Sài Gòn. Dù bây giờ, vì cuộc sống bộn bề hối hả, thú vui ngắm cà phê phin rơi rơi đã dần đi vào dĩ vãng. Nhưng có lẽ, chỉ cần Sài Gòn còn sống, tiếng tí tách của giọt cà phê rơi, sẽ vẫn mãi còn sống.

Sài Gòn những năm mới mở cửa có gì? Đó là những con người giữa hai thế hệ đang đi tìm bản thân. Họ thể hiện mình như những lãng tử ngồi cà phê vỉa hè, có khi đàn lên những bản tình ca từ cây ghi ta, có khi là những vòng khói thuốc trắng. Họ là những bác xích lô ngồi uống cà phê, chờ có ai đó đến gọi chở bà này đi chùa Vĩnh Nghiêm, hay ông nọ xuống Hóc Môn, hay ai đó với 1 ề đồ đạc quang gánh. Trong xóm tôi có ông xích lô tên Sang. Người xưa nói: đặt tên xấu thì đời ít khổ, chứ đặt tên đẹp thì hay bị trời ghét mà trù dập. Ông Sang thì không thể nói là "sang" được. Ông có cái quần cộc, áo sơ mi phanh ngực, dáng người ốm, da dẻ ngâm ngâm. Ông không biết chữ, nhưng túi áo lúc nào cũng có cuốn sổ tay và cây viết. Sau này, tôi mới biết là ông dùng nó chỉ để ghi số đề mà thôi. Sài Gòn khi đó không có nhiều xe hợi chạy (trước đó có lẽ có nhiều hơn), xe hơi được liên tưởng là những chiếc taxi vàng, còn lại là những chiếc cub xanh, những chiếc xe đạp cọc cạch, những chiếc xích lô, những chiế mô-bi-lếch ồn ào, xe lam è è ì ạch, hay xe ba gác chở thuê. Ai giàu lắm thì sắm được chiếc Dream chạy là oách lắm rồi. Người ta hối hả làm ăn, nhưng đâu đó trong bộn bề, họ vẫn tìm ra những khoảng lặng giữa Sài Gòn để rít điếu thuốc, để nhâm nhi ly cà phê. Đời còn nghèo, nhưng con người vẫn còn vui. 

Ngày hôm đó, như bao chầu cà phê khác, cậu ngồi đọc báo, hút thuốc. Để cho tôi tự mình nhấm nháp ly cà phê sữa nhỏ và ngắm phố. Sài Gòn nóng lắm, nên người Sài Gòn uống cà phê với đá. Thế là sau khi hết cà phê, người ta đâm ra có thói quen cắn nước đá nghe rốp rốp. Và sau khi hết cà phê, khách được bà chủ tặng kèm 1 ấm trà bằng nhôm. cái ấm hình chóp cắt ngang, có cái núm trên nắp và quai bằng nhựa màu đen, được cột với nhau bằng sợ dây nylon xanh đỏ đã tưa. Người ta rót trà vào ly đá còn cặn cà phê. Vừa uống vừa cắn đá. Có lẽ vì như vậy mà tôi, như nhiều người Sài Gòn khác, có thói quen cắn nước đá từ rất bé. Lúc đó, giữa sáng cà phê, có bà hàng xóm đi ngang, báo mẹ tôi tìm tôi, vậy là đứa trẻ tôi thấy lo, vì sợ đòn. Nhưng dù rất muốn chạy, tôi cũng phải chờ cậu tôi uống xong ly cà phê mới chở tôi về được. Kết quả là tôi bị la 1 trận té tát vì đi mà không xin phép, dù đi với cậu mình (ở chung nhà). 

Tuổi thơ tôi trôi qua như thế, không nhiều bạn bè, không những cánh đồng, không sáo diều, không bắn bi, không đánh đáo, không tạc lon,... Chỉ có những bữa cà phê với những người cậu, chỉ có những ngày Chúa Nhật được chở đi Tao Đàn, hay những buổi chiều đi "Bác Hồ" để mua con sâu giấy, để thổi bóng xà phòng và để nhìn đàn chím én bay về tổ trong ánh tịch dương. Tôi lấy những con rô bô nhựa làm bạn, lấy sách làm tri kỷ, lấy mây trắng làm hàng xóm. Bây giờ nghĩ lại, tuổi thơ đó có êm đềm không? Tôi đã nghĩ gì những trưa hè chỉ nằm ngắm mây trôi? Tôi lúc ấy có hiểu không những điệu nhạc của Trịnh? Tôi có chán không giọng hát trầm buồn của Khánh Ly? Tôi nghĩ gì khi uống ly cà phê đầu tiên, khi cắn viên nước đá đầu tiên, khi ngửi thấy mùi sình trên đường chợ? Tôi cũng không rõ. Tất cả như chẳng phải để rút ra bài học gì cả, mà là những đoạn ký ức rời rạc của quá khứ, trôi đim, mà vào những lúc nào đó trong cuộc đời, người ta bắt gặp chúng và nhớ, thế thôi. 

Con người được cấu thành bởi ký ức, sống trong hiện tại và mơ về tương lai. Người ta có thể muốn quên đi để hướng tới ngày mai, nhưng dù muốn hay không, họ luôn mang theo mình những miền ký ức. Và vào 1 lúc nào đó, dù họ có muốn hay không, chúng sẽ quay về, trong những giấc mơ, để nhắc ta nhớ rằng: đã có lúc, chúng ta, những con người đã đi qua miền tối và sáng, từng là những đứa trẻ, ước mơ về một ngày lớn lên, dù chúng chẳng biết "lớn lên" để làm gì.

No comments:

Post a Comment