Trời Sài Gòn ngày càng nóng. Mỗi ngày, Sài Gòn lại thể hiện 1 cái nóng hơi khác. VD như thứ bảy tuần rồi, trời nóng và nắng gắt. Đến chủ nhật, trời hầm và nực nội, đén tầm 11 giờ trưa, trời mưa, hai chục phút sau thì tạnh, để lại cho Sài Gòn cái nóng kèm theo hơi ẩm của cơn mưa, nhưng ít ra buổi chiều vẫn mát mẻ, nắng đẹp nhưng không gắt. Hôm nay thứ hai, trời nóng hầm hập nhưng lại âm u như muốn mưa mà lại chẳng mưa. Kiểu như người ta muốn hắt hơi mà lại không được, cảm giác khó chịu kẹt lại ngay mũi.
Quán cà phê những ngày nóng đông hơn thường lệ. Xe máy xếp sát nhau, hết hàng dọc lại hàng ngang, đông chắc gần gấp đôi so với cách đây nửa tháng. Tôi cố gắng tìm 1 cái bàn gần cửa sổ nhưng không có, đành ngồi bàn gần cầu thang, vì đây là chỗ duy nhất còn trống. Tôi ngồi bên ly cà phê, nhìn bâng quơ qua cái cửa sổ to xéo xéo. Bên kia đường, công viên 23/9, cây phượng đỏ đang trổ hoa chào hè, đối diện nó là cây điệp vàng cũng trổ hoa rực rỡ giữa cái nóng đầu hạ. Sài Gòn thế là đẹp.
Mỗi ngày đều đặn, tôi chở nhỏ em đi học về trên đường Phạm Ngọc Thạch. Đôi khi gió nổi lên, lá vàng, hoa điệp, lá me rơi lả tả dưới cái nắng chiều vàng vọt. Sài Gòn nào thiếu đẹp như Châu Âu mùa thu?
Từ năm lớp 15 tuổi, tôi bắt đầu bị viêm xoang, dù không quá nặng nhưng khứu giác bị ảnh hưởng nhiều khi bị nghẹt mũi liên tục. Tuy việc này không ảnh hưởng nhiều trong khi làm việc nhưng đối khi lại bất tiện khi tôi cần nhớ về 1 đoạn ký ức bằng mùi hương. Tôi nhớ gì?
Trưa hôm qua, bạn chở tôi đi trên đường ở quận 7, con đường dài, không nhiều những tòa cao ốc san sát như trung tâm, thay vào đó là nhà cửa, trung tâm mua sắm xen lẫn những khoảng cây xanh bỏ hoang. Hôm qua, nắng chiều đẹp hơn bao giờ hết (hay ít nhất là đẹp nhất trong khả năng nhớ của tôi). Và tôi đã cố gắng hít thở. Tôi ngửi thấy mùi cỏ, mùi ẩm đất nhè nhẹ, hương của những trảng cỏ trong ký ức xa xưa. Xe chạy chốc chốc lại bật lên vì những vạch giảm tốc. Tôi thì buồn ngủ lắm, vì phải liên tục mấy ngày liền làm việc khuya và dậy sớm. Bên tai, tôi nghe tiếng ô tô, xe máy, nghe những lùm cỏ, rặng cây xào xạc như một buổi trưa hè nhiều năm về trước. Trong cái trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi nhớ, hoặc có lẽ là mơ, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: "Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời".
Khi tôi còn là một đứa trẻ lên tám, những ngày hè là những ngày rời xa thành phố, rời xa xóm lao động tản cư để quay về nơi ba má tôi lớn lên. Bạc Liêu với tôi là cái gì đó xa vời vợi mà mỗi năm tôi chỉ về khi Tết đến hay hè về. Tôi ngồi trên xe, chẳng nhận ra gì ngoài 3 thứ: phà ở bắc Mỹ Thuận (người miền Tây gọi bến phà là bắc), phà ở bắc Cần Thơ và cây cột ăng ten cao cao ở Bạc Liêu, đến nhà rồi. Ngôi nhà cũ trong ký ức có cái cổng sơn màu xanh dương, lớp thép bên dưới, gần sát mặt sân xi măng, đã cũ, thủng lỗ chỗ, có cây vạn hoa lầu kế bên (loại bông giấy, lá xanh đậm hình ngòi bút, hoa nhỏ hơn và đậm màu hơn, gai nhỏ và cứng hơn hoa giấy). Trước nhà, dù ở trung tâm thị xã, có con mương hẹp, hai bên mọc đầy cỏ mây, bông lau, cỏ lúa, cây mắc cỡ, càng cua, những chồi non của cây me (do ai đó ăn me xong phun hạt xuống), nơi mà tôi hay cùng 2 đứa em họ đi bắt chuồn chuồn vào những trưa hè, để một lần trượt chân té mương, la ỏm tỏi và thúi ùm.
Trước nhà có con chó cái tên Ki màu vàng, rất khôn và dữ, mấy năm sau, nó chết vì già.
Tôi không có cái tuổi thơ cùng bạn bè đi đánh đáo, bắn bi hay trốn tìm, vì gia đình tôi không muốn tôi bị đám con nít xóm lao động ảnh hưởng, sao nhãn việc học, nên giữ con kĩ như giữ vàng. Nên đối với tôi, những ngày hè ở quê là quý giá. Tôi nhớ những cơn mưa mùa hè. Mát mẻ và sảng khoái. Tôi thích ngồi trước nhà, nơi chú thím bán quán cà phê, xếp những con thuyền bằng giấy tập cũ, thả theo dòng nước của "cơn mưa bong bóng". Rồi những ngày nắng, tụi tôi đi kiếm nến, giấy, rồi đi hái trộm lá dứa nhà hàng xóm về nấu cơm trong cái cóng nhôm. Những ngày hè, thường gắn liền với những bữa cơm trưa mát mẻ. Căn nhà cũ (giờ đã sửa khác xưa), có cái bếp có cửa sổ 2 mặt, bên tay phải có cửa mở ra sau hè, nơi có sàn lảng rửa chén, có cái lu đựng nước mưa và nơi mắc dây phơi đồ. Trời mưa, cả nhà ngồi ăn cơm dưới sàn bếp. Nghe mưa tí tách và gió mát lạnh phà vào giữa bữa cơm. Một bữa cơm tiêu chuẩn mà tôi nhớ được và luôn thích bao gồm: cá thu kho tộ, canh chua cá bông lau và mực xào rau củ. Tráng miệng sẽ có dưa hấu hoặc xoài. Đó là bữa ăn của tuổi thơ loanh quanh trong sân cùng đàn kiến, cây vạn hoa lầu và tiếng ếch (hay cóc, nhái, ễnh ương, chằn hiu gì đó) ì oạp trong bụi cây khi mưa về.
Căn nhà xưa giờ đã khác. Con Ki đã chết. Cây vạn hoa lầu đã bị đốn. Cái sân hè cũng xây kiểu khác. Cái cổng xanh đã bỏ, thay bằng cái cổng khác, sơn màu xám trắng. Cái mương giờ đã được đậy nắp bê tông, những bụi cỏ cũng đã bị nhổ, lề đường đổ xi măng. Con người cũng đã thay đổi, chẳng còn ai như cái ngày xa xưa đó nữa. Cuộc sống và số mệnh đã đưa đẩy chúng tôi, theo cách này hay cách khác, đến những nơi khác nhau, có thể chẳng như chúng tôi đã từng mờ về trong những ngày hè tuổi thơ ấy. Trong tôi, mùa hè năm ấy chỉ còn văng vẳmg tiếng dế, tiếng mưa tí tách, tiếng chim heo kêu về đêm, tiếng dừa trước nhà xào xạc những trưa hè, tiếng của những băng cát sét hay đĩa nhạc Trinh văng vẳng bên tai. Chúng là hương của nắng, hương của lá dứa nấu cơm, hương của món cá kho tộ, của cây kem đậu xanh đậu đỏ.
Và có lẽ là tiếng rao và mùi vị của món bánh củ cải. Món bánh của người Tiều, người bán là một bà trung niên phốp pháp, mặc bộ đồ bộ bà ba, đầu đội nón lá, chân xỏ dép nhựa, gánh bánh đi bán dạo. Bánh củ cái là lớp da bột hấp, gói nhân tôm, thịt, củ cải, cà rốt thái mỏng, ăn kèm nước mắm pha. Đó là tiếng rao của ngày thơ ấu, là món ăn xa vời vợi của 1 thời tuổi thơ, là thứ để tôi nhớ về quê hương mỗi khi phiền muộn. Nhưng cũng như những thứ khác, đã lùi vào dĩ vãng. Tôi không biết bà, giờ chắc đã là một cụ bà tóc trắng, có còn bán hay không. Bà có còn quang gánh bán dạo qua con đường ấy, rao lên rằng "Ai bánh củ cải" như trong ký ức của tôi không? Tôi không biết, mà cũng không dám biết. Vì sợ rằng sẽ lại thêm 1 lần tiếc nuối những ký ức xa xưa. Thời gian tàn bạo, dòng đời tàn bạo, tất cả đã qua rồi, những dĩ vãng. Đôi lúc, tôi tự nói với mình hãy quên đi những dĩ vãng để tiến lên, để rồi phát hiện mình còn vương vấn nhiều quá những cảm xúc vụn vặt thời thơ dại ấy.
Tôi học gì từ những ngày thơ? Có lẽ chẳng gì cả, ngoài việc trân trọng những ký ức đã phai nhạt, như cất giữ những tấm ảnh cũ trong một cuốn album, cho nó vào 1 góc tủ. Để rồi một ngày nào đó, khi "mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi" (Ngẫu nhiên - Trịnh Công Sơn), tôi lại nhìn vào những bức ảnh đã úa màu cùng thời gian, để nhớ về những ngày mà chẳng bao giờ tìm lại được.
Bên ngoài, ngã ba Đề Thám và Phạm Ngũ Lão vẫn ùn ùn xe chạy, dẫu giữa ban trưa nóng đến lột da. Bầu trời đầy mây âm u và buồn bã, gió dìu dặt những tiếng xào xạc trên những rặng cây, lâu lâu lại nổi lớn, thổi rụng những cánh phượng đỏ nhưng những con bướm đỏ, những cánh điệp vàng như đàn bướm vàng nhỏ xíu, và những lá me nhỏ xíu, vàng vọt bay bay.
"Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi"
Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi"
(Bên đời hiu quạnh - Trịnh Công Sơn)
No comments:
Post a Comment