Thursday, 7 March 2013

Nồi cháo trắng

Người ta hay nói: với người đã ngoài 50, không phải tính cách sẽ nói về bạn, mà chính là những thói quen. Tôi hay tự nhủ có lẽ mình nên tự thay đổi bản thân nhiều nhiều để luôn thấy tươi trẻ. Ấy vậy mà tôi vẫn có những thói quen không bỏ được như đi uống cafe cùng 1 tiệm, ngồi cùng 1 góc; hay đi cắt tóc cùng 1 anh thợ làm đầu và nhanh chóng trở thành "khách quen" của cả tiệm cà phê lẫn cắt tóc. Mà thói quen cũng chia ra thói quen hàng ngày và thói quen có chu kỳ. Ví dụ như tôi ngày nào cũng mở mắt tầm 6 giờ sáng như một cái đồng hồ báo thức và cứ đến khi trời trở lạnh, tôi lại nấu cháo trắng. Dù tôi chẳng ưa cháo trắng.

Từ nhỏ, mỗi lần bệnh là má hay ba lại nấu cháo. Mà tôi rất ghét ăn cháo, nhất là cháo trắng. Tôi thích cháo thịt hơn (dù vẫn không ưa cháo). Ba má thì lâu lâu nổi hứng, hay yếu bụng lại ăn cháo trắng, có khi mua, có khi nấu. Nhưng nhất thiết phải có trứng vịt muối và giò cháo quẩy (quẩy theo tiếng miền Bắc, nhưng giò cháo quẩy thì to dài hơn loại quẩy miền Bắc ăn với phở). Trái trứng muối hồi đó hay mua của bà bán cháo trong chợ (xóm lao động nhà tôi nằm ngay chợ Cầu Cống rất sầm uất đồ ăn đêm). Trứng muối người ta không bốc vỏ mà dùng dao đập 1 nhát rồi xẻ làm đôi. Ăn đến đâu thì sắn đến đó vì nó quá mặn. Lúc nhỏ tôi chỉ thích loanh quanh để lủm cái tròng đỏ (khôn động trời) chứ chẳng thích thú gì caí trứng mặn chát ăn cùng tô cháo lạt nhách. 

Quẩy có khi mua ở bà bán cháo, có khi là bà bán bánh tiêu đi ngang. Tôi thấy người ta hay ăn quẩy với cháo lòng hay cháo sườn hơn nhưng nhà tôi cứ cháo là quất giò cháo quẩy, bất kể cháo gì. Quẩy cắt khúc rồi trộn với cháo. Nước cháo làm cho quẩy mềm ra, ăn có cảm giác dầu mỡ nhưng lại dai dai. Tôi lúc ấy vẫn chỉ thích lủm cái quẩy rồi ngồi vừa ăn vừa đọc truyện chứ tuyệt không thích bỏ vào cháo làm nó mềm nhũn ra mà với tôi lúc đó là "thấy ghê", không thích ăn. 

Ngoài 2 món không thể thiếu ấy, ăn cháo trắng chắc còn phải ăn với dưa món. Dưa món thật ra là dưa leo, củ cải, cà rốt được sấy khô rồi đem ngâm với ớt và hỗn hợp nước mắm đường. Ăn cùng cháo trắng cho có thêm vị mằm mặn cay cay, đỡ thấy lạt miệng. Và một lần nữa, tôi cự tuyệt món cháo trắng bằng việc bốc dưa món ăn không 1 mình như người ta ăn bánh quy với trà vậy.

Mười mấy năm trôi qua, tôi vẫn không thích món cháo. Dù có bị dụ khị cháo mực đường này, cháo lòng khu nọ, hay lúc giáo viên môn văn của tôi say sưa kể về món cháo hành của Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo và phim Làng Vũ Đại Ngày Ấy. Nhưng có lẽ tôi chẳng ngờ được khi sang Úc, cứ mỗi hôm trời trở lạnh, tôi lại thèm cháo trắng. 

Tôi chưa từng nghĩ sẽ thèm món gì nhạt nhoét như vậy, có thèm thì thèm suờng nướng mỡ hành hay cá thu kho tộ chứ có ai đời tôi nghĩ mình sẽ thèm 1 chén cháo trắng bao giờ? Ấy vậy mà tôi đã phải có đêm trằn trọc trong chăn, khi mà gió bên ngoài ù ù thổi, nhiệt kế tụt xuống mức 2 độ C, và tôi thèm 1 tô cháo trắng nóng hổi.

Đôi khi tôi nghĩ chắc mình cũng tương tự cái hoàn cảnh của Chí Phèo năm ấy. Tôi không nghĩ cháo hành là cái gì đó ngon lành so với đùi gà, sườn heo; mà tôi cũng chẳng thể nói chắc tay nghề nấu cháo của Thị Nở giỏi chừng nào, nhưng tôi biết cái làm cho Chí ấm lòng là cái tình bên trong bát cháo hành huyền thoại ấy chứ chẳng phải cái vị cháo ngon lành gì cả. Tôi cũng thế, phàm những lúc 1 mình, nhất là khi trời trở cơn giá lạnh, người ta lại thấm thía cái nỗi cô đơn hơn lúc nào hết. Lúc đó có lẽ con người sẽ bớt đi mấy phần sân si, thèm khát những món ngon vật lạ, mà sẽ nhớ đến những mảnh ký ức đâu đấy về 1 vài thứ bình dị. Đối với tôi, mà nhất là tôi lại là đầu bếp, đó là món cháo trắng bình thường đến kinh ngạc, cái món mà tôi chê là lạt nhách và "đạm bạc" quá cỡ thợ mộc.

Vậy là tôi đi lấy cái nồi đất tôi hay dùng kho thịt để nấu cháo. Vì tôi hiểu rằng phàm món gì phải giữ nhiệt lâu, nấu liêu riêu càng lâu càng ngon như thịt kho hay cháo thì nồi đất là tốt nhất. Bạn có thể dùng nồi áp suất để đẩy nhanh tiến trình. Nhưng với tôi, ngồi canh lửa cho nồi cháo, cả quá trình đó là 1 thú vui kỳ lạ của cái nghề nấu nướng, và cũng như bên bàn trà, người ta cũng nghiệm ra nhiều chân lý sống bình dị bên lửa bếp. 

Gạo nếu có thời gian ngâm nở thì tốt nhất, nếu không có thể nấu thẳng, hoặc dùng cơm cũ đem nấu cháo. Nấu cơm 1 phần nước, thì nấu cháo 3 phần, thích có thể rắc thêm nhúm muối để dặm cho nồi cháo đỡ nhạt (cơ mà cháo trắng thì phải nhạt mới đúng chứ nhỉ?). Để cho nồi cháo sôi bùng lên rồi từ từ hạ lửa xuống thật nhỏ, để nồi cháo sôi lăn tăn. Đậy nắp lại và cứ thế canh lửa. Ngồi đó độc tờ báo, hay bật laptop xem một bộ phim, cứ chốc chốc lại mở nắp dò xem cháo đã nhừ chưa, nước có cạn không, có cần châm thêm nước không, lại khuấy đều nồi cháo cho khỏi dính đít nồi. Sau này, người bận rộn cũng có thể dùng loại nồi hầm "slow cook", cho nước và gạo vào ban đêm, sáng hôm sau đã có món cháo trắng ngon lành. Nhưng với tôi, cháo nấu nồi đất là ngon nhất dù vị của nó cũng chỉ là lạt nhách nhưng cũng như Chí Phèo, nồi cháo ngon là vì cái tâm đặt vào từng phút đun nấu.

 Cháo trắng với hành lá, tiêu

Tôi hay ra chợ Việt Nam ở Footscray để mua mấy loại mắm và dưa muối. Tôi thường chọn mấy loại như mắm đủ đủ, mắm tôm chua, dưa món, cà pháo,... được làm sẵn, bỏ vào keo thủy tinh và đóng gói bao bì đàng hoàng. Chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Việt Nam sang. Tôi cũng biết nếu mình tự làm chắc sẽ ngon hơn nhiều nhưng tôi lại không hay ăn nhiều, nhà lại chẳng có ai, tôi lại đi suốt nên thôi giải quyết cơn thèm cháo trắng bằng mấy keo mắm muối này đã. 

Cháo trắng trong nồi đất sở dĩ ngon hơn và tiết kiệm hơn vì nồi đất có tính giữ nhiệt rất cao. Mà bản thân cháo cũng rất lâu nguội nên dù tắt lửa cả tiếng rồi nhưng nồi cháo vẫn nóng bỏng miệng chứ chả chơi. 

Tôi cho mắm tép đu đủ ra đĩa nhỏ, cắt mấy lát hành lá, cho vào tô cháo, rắc thêm chút tiêu. Cứ thế gắp miếng mắm, húp miếng cháo, nhấm ngụm trà mới pha, dù bên ngoài sương giá giăng đầy với cái lạnh run cầm cập, tôi cũng chẳng sợ nữa. Vậy là tự lúc nào, tôi lại hình thành cái thói quen: hễ trời trở lạnh là lôi nồi ra nấu cháo.

No comments:

Post a Comment