Có 1 câu nói thế này: "Yêu người cũ như đọc 1 cuốn sách cũ, bạn luôn biết trước kết thúc." Tôi cũng không rõ ai viết ra câu này, chỉ thấy nó lất phất từ facebook người này sang người nọ, đọc cũng có chút đạo lý bên trong.
Như đã nói trước đây, tôi đang xoay tiền để đi du lịch. Số tiền không to cũng không nhỏ nhưng cũng đủ chật vật 1 tẹo. Thế là tôi nghĩ mình có nên quay lại làm cho công ty cũ ít lâu kiếm tiền hay không? Công việc tuy không có gì thú vị, lại cực thân, cực cả tinh thần nhưng bù lại thù lao kha khá. Nhớ cái thời mới về Việt Nam, tôi chạy miết, cứ sáng chạy đi quay, tối chạy đi mua đồ chuẩn bị cho số quay tới. Cứ tất tả như con thoi. Cực nhất là những bữa quay 2 số sáng chiều, lại đúng mùa mưa. Chỗ tôi chuẩn bị đồ vốn không nằm trong trường quay mà nằm bên ngoài hành lang, chỗ đó mái che chỗ có chỗ không. Hễ có mưa là phải lật đật dọn đồ, ướt như chuột lột. Sau này được 1 bác làm bảo vệ và kiểm kê trong trường quay thương, hay giúp đỡ như kéo dây điện, che hộ mấy cái dù ngày mưa, nhưng việc cực vẫn hoàn cực. Mỗi lần quay xong, về nhà là chỉ muốn vật ra giường, tắm cũng chẳng thiết. Công việc tuy không phải ngày nào cũng làm nhưng áp lực và cường độ từ lúc nhận bản thông tin, đi mua đồ chuẩn bị đến lúc quay thì thật căng thẳng. Đầu cứ căng như dây đàn sắp đứt, hễ ai càu nhàu bên tai là tôi sẵn sàng đốp chát ngay, chẳng quan tâm thân sơ.
Rồi 1 cơ duyên đến, tôi định làm 1 công việc thích hợp hơn nên vừa hết hợp đồng bên này là nghỉ ngay để chuẩn bị việc mới. Ai dè tránh vỏ dưa, trợt vỏ dừa, công việc mới dấm dúi cá chuối theo 1 cách không tài nào chịu nổi đến ngày thứ ba. Thế là tôi bỏ luôn mà chẳng quan tâm tiền thử việc.
Tôi chuyển ra làm freelance. Bạn hỏi tôi sao không đi quay nữa. Tôi bảo đã mệt rồi, tiền nhiều thì nhiều thật, nhưng bù lại thì thể lực liên tục tiêu hao, mặt mày phờ phạc, tâm thần không ổn định, đầu căng như dây đàn lên quá tay, chỉ e chạm là đứt. Nói theo kiểu bây giờ là "tiền lương không đủ để mua thuốc chống bực mình".
Nửa năm cũng qua, công việc vẫn còn đó vì ai vào làm cũng dội ra cả, chỉ có 1 chị lão lãng còn bám trụ nhưng lại không có chí cầu tiến mà lại chỉ "cầu tiền", nên cũng chỉ ấm ớ dấm dớ cho qua.Vậy là cần xoay tiền, tôi lại nghĩ có thể làm vài buổi quay là đủ số. Nhưng ngẫm mãi, cuối cùng lại thấy không được. Vì đủ số xong thì bản thân mình cũng kiệt lực, sức đâu mà đi chơi nữa cơ chứ?
Bởi vậy có lẽ yêu người cũ, làm việc cũ hay bất cứ cái gì cũ nó cũng như đọc cuốn sách cũ vậy. Dù đọc ở thời điểm khác, tư thế khác, môi trường khác, tâm thái khác,... thì nó cũng là cuốn sách cũ, cùng 1 nội dung, cùng 1 kết thúc mà thôi. Dù có cố đọc thật chậm, ngẫm thật kỹ thì nó cũng không lòi đâu ra 1 kết cục khác được.
Nhưng xét cho cùng, có lẽ khá cực đoan khi cho rằng như vậy. Vì cho dù cùng 1 cuốn sách nhưng với những tâm thế khác nhau, người ta sẽ có những suy nghĩ, bài học rút tỉa và cảm nhận khác nhau. Ví dụ đơn giản như khi bạn là 1 thiếu niên, 1 truyện tình kiểu học trò sẽ làm bạn thấy thẩn thơ, rớt nước mắt: ôi sao giống mình thế? Nhưng qua vài năm nữa, khi đã đủ chín chắn và trải đời, cuốn truyện đó sẽ chỉ như 1 mảnh ghép vu vơ trong mắt bạn, chẳng đáng quan tâm. Nhưng nhiều chục năm sau, với tâm thế 1 người đã lố hàng năm hàng sáu, đọc lại 1 truyện tình ngốc xít thì lại cảm thấy thật hồn nhiên và đáng quý, vì nó là cái phần tuổi trẻ đáng khát khao quay về.
Hoặc 1 ví dụ buồn cười hơn là truyện Tấm Cám. Lúc nhỏ được má đọc, biết chữ thì tự đọc, vô lớp thì làm tập làm văn kể truyện Tấm Cám, Tivi kịch chiếu Tấm Cám,... ai cũng bảo chị Tấm hiền lành, nết na, thùy mị, bị mụ dì ghẻ hãm hai. Nhưng khi lớn rồi, ta mới hiểu thật rõ, thật sâu sắc là: Tấm là 1 mụ phù thủy chính hiệu, ác độc chẳng ai bằng. Ở phương Tây có truyện cổ tương tự là Cinderella, cô bé Lọ Lem. Nhưng khi đã cưới được hoàng tử, Lọ Lem nào có trả thù mẹ ghẻ? Chứ Tấm ấy hả, là phải dụ Cám tắm nước sôi, đem xác làm mắm, còn bắt mẹ ghẻ ăn thịt con mình rồi thất kinh mà chết. Thế hóa ra cô Tấm có hiền như lời "thiên hạ đồn" không? Cái đấy còn phải xét lại.
Ở mỗi thời điểm của cuộc đời, với cùng 1 chuyện, con người sẽ có những cách nghĩ và ứng xử khác nhau. Khi bạn giàu, 100 ngàn chỉ là muối bỏ bể, nhưng khi bạn nghèo, nó là vật cứu mạng cả nhà. Nên 1 cách khách quan mà nói, dù đọc lại 1 quyển sách cũ nhưng đôi khi lại ngẫm ra những ý mới, lại có 1 cách nhìn mới về nhân vật (như Tấm chẳng hạn). Nhìn nhận 1 sự vật vốn cần sự đa chiều và óc phê phán (critical thinking) nhưng không chỉ phê phán những sự việc diễn ra khách quan mà còn phê phán chính cái nhìn chủ quan của bản thân nữa. Một sự việc khách quan bất biến mà còn như thế, thì con người hay công việc vạn biến, liệu có khác không? Tôi nghĩ mỗi người sẽ có câu trả lời riêng cho chính họ.
Nhưng cũng có những việc mà người ta không nên lập lại, như pha cà phê nhiều lần cùng 1 bã. Cà phê hay trà, pha càng lâu, nước càng lợt, rồi đến lúc chỉ còn thoảng hương chứ vị đã như nước lã. Cái bã ấy, tùy lúc, có thể chỉ sự việc, có thể chỉ bản thân. Cũng như công việc của tôi, tuy thời gian cách 6 tháng nhưng dàn nhân viên cũ vẫn thế, nội dung công việc cũng vậy. Thế nên tôi chắc rằng nó sẽ chưa thể thay đổi gì nhiều được. Và tôi quyết định sẽ không làm.
No comments:
Post a Comment