Monday, 11 March 2013

Gặp gỡ Christine Hà

Masterchef VN vừa on air. Nhiều ý kiến trái chiều nhưng đa phần vẫn là chê nhiều hơn khen. Bản thân tôi thì vì biết 1 vài chuyện không hay nên cũng chẳng có cảm tình chút nào với BGK lẫn nhà tổ chức, thí sinh và cuộc thi (trừ Luke Nguyễn). Nên thôi tôi xin không bàn luận về cuộc thi này ở VN, mà có muốn cũng không được, vì tôi có xem đâu mà bàn luận?

Chỉ xin trích lại 1 đoạn viết của mình về Christine Hà sau hôm họp báo ngày 21/2/2013 (đã lược bỏ nhiều chi tiết)

"
Masterchef là chương trình truyền hình thực tế ra đời tại Anh. Thế nhưng phiên bản đầu tiên tại Anh hoàn toàn không được chú ý đến. Năm 2009, nước Úc đã mua lại bản quyền và tạo ra phiên bản mới của Masterchef - chính là phiên bản Masterchef hiện nay đang hoành hành ở gần 40 quốc gia trên thế giới và thu hút hàng triệu lượt người theo dõi. Sẽ không lố nếu nói nơi sinh ra Maserchef là nước Anh nhưng nơi làm nên danh tiếng của Masterchef chính là nước Úc. 

Sau sự thành công vang dội của Masterchef Úc season 1 (người chiến thắng là một nữ nhân viên I.T, cô Julie Goodwin), bản quyền của Masterchef được bán ra dưới sự kiểm định gắt gao về khả năng thực hiện của chương trình tại nước bản địa, và Mỹ là 1 trong những nước thực hiện tiếp sau Úc, dần lan sang các nước khác như Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ,... rồi đến châu Á như Mã Lai, Trung Quốc,... Việt Nam là nước thứ 37 thực hiện chương trình Masterchef. Tuy chương trình là một tiếng vang lớn trên thế giới, nhưng đối với người Việt Nam, có lẽ sẽ chẳng có gì nhiều hơn 1 cuộc thi nấu ăn truyền hình nếu người đoạt giải chương trình Masterchef tại Mỹ - season 3 không phải là Christine Hà - 1 cô gái gốc Việt khiếm thị. 

 Cùng food bloggers tham gia họp báo

Christine sinh ra không phải đã khiếm thị, bệnh tật đã lấy đi của cô đôi mắt nhưng thứ cô tìm thấy lại là niềm đam mê nấu ăn với những mùi vị Việt Nam quen thuộc. Bản thân tôi không theo dõi cả season đó, cũng không xem phần chung kết giữa cô và anh chàng John Marks, vì tôi không quan tâm cô có thắng hay không cuộc thi ấy, điều quan trọng là cô đã đi đến điểm cuối cùng, đó là 1 điều kỳ diệu thật sự. Trong 1 cuộc thi dài với hàng trăm người dự tuyển, hàng chục thí sinh đấu đá nhau thì việc mình phải ra đi là 1 điều hoàn toàn trong dự tính của bất kỳ thí sinh nào, và có lẽ Christine cũng hiểu được như vậy, nhất là cô lại là người khiếm thị, phải nỗ lực gấp nhiều lần đồng bạn. Nhưng nếu để tôi khâm phục cô, không phải là khi cô qua được các vòng trong hay được tuyên bố là nguời thắng cuộc mà chính là khi cô đã dám bước chân đến vũ đài để nấu cho ban giám khảo. Tôi nhớ rõ hình ảnh cô bước đi cùng chồng, tay cầm cây gậy dò đường, sờ soạn gian bếp để trình bày món ăn. Cô đã không thật sự hoàn thành món ăn trước thời hạn quy định nhưng cái đã làm cảm phục ban giám khảo chính là hương vị của nỗ lực phi thường để vượt lên chính mình, hương vị của đam mê, khát khao sống và tình yêu, hương vị của nỗi nhớ một quê hương Việt Nam bên kia bán cầu. 

Là một đầu bếp, tôi hiểu rõ rằng để có thể đứng trong 1 căn bếp chuyên nghiệp mà không ngã, người ta phải sử dụng tất cả giác quan của mình có được: phải nhìn màu sắc, hình dáng để đoán định; dùng mũi để ngửi hương; dùng lưỡi đế nếm vị; dùng tay để sờ cứng mềm, đong đo; dùng tai để nghe âm thanh của công việc; và dùng cái đầu để phán đoán. Christine đã mất đi thị lực, nhưng cô đã dùng những giác quan còn lại của mình cộng với niềm đam mê và nghị lực phi thường để vượt lên sự khiếm khuyết đó: điều mà không phải ai cũng có thể làm được, một điều kỳ diệu. Và vì thế, tôi khâm phục cô kể từ khi cô bước chân vào căn phòng tối để nấu bữa ăn đầu tiên cho 3 vị giám khảo, dù cô có đậu hay không, cô vẫn là 1 ngôi sao sáng cho bất cứ ai có đam mê để có thể vượt lên nỗi sợ và khiếm khuyết để khẳng định bản thân mình: thắng người thì dễ, chiến thắng bản thân mới là điều khó. 

 Chụp cùng Christine Ha (ảnh từ ngoisao.net)

Cô đến Việt Nam trong bộ trang phục áo dài truyền thống, áo dài xanh của người con gái Việt đã tôn lên nụ cười thân thiện của cô. Tôi đã từng nói thế này: đầu bếp đẹp nhất là khi họ mặc bộ đồng phục và đứng trong bếp, mồ hôi nhễ nhại, tay liên tục cắt, thái, đảo, hất. Nhưng có lẽ tôi nên thêm vào 1 phần sau: nữ đầu bếp Việt Nam đẹp cả khi mặc chiếc áo dài dân tộc lẫn bộ đồng phục bếp. Christine Hà nở nụ cười đẹp nhất, xuất hiện dưới sự chào đón của những người hâm mộ, cánh báo chí, những người cô chưa gặp qua lần nào trong đời nhưng luôn hướng về cô với lòng khâm phục và thương cảm. Cô trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh có pha chút tiếng Việt còn ngập ngừng, nhưng cô đã rất tinh tế, đã đem những ý niệm của bản thân mình, những đam mê và kinh nghiệm truyền đạt trong từng câu trả lời, dù câu hỏi có ngắn thế nào đi nữa. Đó lại là 1 cái tài đáng để tôi phục cô, 1 cô gái Việt Nam đã làm nên lịch sử, ghi dấu dân tộc Lạc Việt lên nền sử sách ẩm thực của thế giới, và hơn nữa - một cô gái khiếm thị sống trên đất khách đã đem hương vị của dân tộc vượt qua mọi khoảng cách để chinh phục cả thế giới. 

Tôi chúc cho Christine Hà có được những thành công trong sự nghiệp của cô sau này. Và có lẽ hơn hết, tôi chúc cô hạnh phúc, vì đó là điều mà mọi người phụ nữ đều mong muốn và đáng được hưởng, nhất là cô, sau tất cả những nỗ lực phi thường ấy. 
..."

No comments:

Post a Comment