Wednesday, 6 March 2013

Quay lại thời tự cung tự cấp

Hồi cấp 2, tôi học 2 năm liền lớp chuyên Sử, đến khi vào cấp 3, tôi không tham gia lớp nào nữa, phần vì trường học 2 buổi, nhồi học sinh như nhồi gà tây Giáng Sinh đã gần chết, còn phải cố theo lớp chuyên thì chắc tôi gục ngã sa trường, phần nữa là những năm cấp 3 tôi bắt đầu cảm thấy lười ra sau 4 năm căng thẳng học trường chuyên lớp chọn. Mà nói vậy chỉ để dẫn vào đề là khi học lịch sử, lúc nói đến những hình thức nhà nước xã hội thuở xưa, lúc còn lâu đài, pháo đài này nọ, người ta hay gọi là xã hội "tự cung tự cấp" vì cái gì họ cũng làm trong 1 vòng khép kín. 

Rồi tôi nhớ trong truyện Lucky Luke hồi nhỏ rất mê (giờ vẫn mê) có 1 ngoại truyện kể về 1 cảnh sát trưởng người Mỹ gốc Hoa và 1 khu Hoa kiều tự cung tự cấp y chang như vậy. Chuyện xảy ra là họ chỉ có 2 nghề (theo tư tưởng của người Mỹ): giặt ủi và nấu ăn. Thế là cả thị  trấn: 1 anh nhà đòn, 1 văn phòng cảnh sát trưởng, còn lại thì chia thành 2 bên, 1 bên tiệm giặt ủi và 1 bên là tiệm thức ăn. Sáng ra, chủ tiệm ăn sẽ đem khăn ăn, quần áo sang cho tiệm giặt ủi để giặt. Đến trưa, số tiền vừa vào túi ông chủ tiệm giặt ủi lại bay vào túi chủ tiệm ăn khi ông này đi ăn trưa. Cứ thế đồng tiền không thể lưu thông ra ngoài mà cứ quanh quẩn trong 1 vòng khép kín. Hay có chuyện 2 đứa bé 1 đứa bán bánh mật, 1 đứa bán bánh dừa, 2 đứa có mỗi đứa 1 xu, cứ liên tục đi ăn hàng của nhau, đến cuối ngày thì bánh sạch trơn nhưng 2 đứa vẫn chỉ có mỗi đứa 1 xu. Nói như thế thì ta có thể hiểu rộng ra 1 xã hội "tự cung tự cấp" hồi xưa thế nào. Đó là cái thời chiến tranh, pháo đài kín cổng cao tường, có những lúc chẳng làm ăn buôn bán với ai bên ngoài. Thế là trong thành làm được gì thì ăn nấy. Anh nông dân trồng lúa mì làm bột xong thì bán lại cho anh bán bánh. Anh bán bánh làm bánh từ bột rồi bán lại cho anh nhà hàng. Anh nhà hàng bán bánh mì cho khách xong thì đem tiền đó mua thịt. Anh hàng thịt lại dùng tiền đó đi mua bò lợn dê còn sống để xả thịt ở chỗ anh chăn nuôi. Anh chăn nuôi đem tiền đó mua cỏ, mua rau quả từ anh nông dân. Rồi giữa những thành viên, đồng tiền và vật phẩm cứ thế luân chuyển nhưng chẳng sinh ra đồng lời nào khác ngoài chính số tiền ban đầu. Đồng tiền thì cứ xoay mãi trong 1 khu vực khép kín còn sản phẩm thì dùng lâu sẽ tự tiêu tan.

Thế nhưng cái tôi muốn nói ở đây không phải bắt chúng ta quay về cái thời nhà nước đóng cửa, tự cung tự cấp mà là mỗi gia đình tự cung tự cấp những nhu yếu phẩm có thể. Đó có thể là gì? Là những thứ rau quả như cà, ớt, bắp cải, su hào, cà rốt,... Gia đình thì có mấy người? Có cần phải làm cả 1 nông trường chăng? Không, chỉ cần 1 khoảng sân nhỏ để trồng mấy loại rau củ to to như cà rốt, củ cải. Hay chỉ cần 1 cái chậu be bé để ở ban công hay cửa sổ để trồng mấy cây cà xinh xinh, vừa làm đẹp nhà như cây kiểng, lại còn ra quả, tính kinh tế cao hơn hẳn. Hay dễ trồng như cây ớt, cây giá. Ớt gieo hạt tầm 2 tháng là có trái, giá thì chỉ cần vài ngày là tự mình có thể trồng ra những cây giá trắng muốt mà không có thuốc men chi cả. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm 100% luôn. 

Căn nhà cuối cùng tôi ở trọ trước khi về Việt Nam là của 1 bà cụ người Việt. Sau nhà, bà có cả 1 khu vườn be bé đủ các loại rau thơm hành tỏi. Bà tận dụng những hộp xốp, bỏ đất vào ươm cây. Chỗ này là hành lá xanh xanh, chỗ kia là cây ớt hiểm, rồi rau thơm, ngò,... Bà nói: "Mấy cái này ngoài chợ mắc quá, mà lại dễ trồng, bà trồng cả vườn phía sau, còn có cả dây khoai nữa, khi nào con cần thì cứ lấy, không phải ngại." Bà còn cẩn thận dặn dò tôi: hành lá thì chỉ cắt lá, đừng bứng củ, để nó còn ra lá mới. Thiết nghĩ đây cũng là 1 biện pháp tốt để chống đỡ thời bão giá, mà chẳng phải chỉ ở nước Úc, nơi 1 bó ngò bé tí, có khi héo queo chợ chiều giá $3/bó (66,000 VND), mà kể cả ở VN cũng vậy. Bạn có thử bao giờ tính số tiền bạn bỏ ra mua hành ngò, tỏi, ớt, rau cỏ trong1 tháng chưa? Tách ra thì nhỏ, nhưng cộng lại thì chẳng ít tí nào, nhất là những nguời có thói quen ăn không hết thì đổ. 

"Tự cung tự cấp" không chỉ là việc bạn tự trồng rau sạch tại nhà mà còn là bạn nấu ăn tại nhà nữa đấy. Ở Việt Nam hay có câu "Tiếc làm gì, ăn không hết thì đổ", nhất là khi ăn tiệm. Nếu chỉ nói về bản thân nhân loại, đó đã là 1 hình thức lãng phí thức ăn. Người ta cũng nói "đổ mang tội" theo 1 đức tin nào đó, nhưng nghĩ thực dụng hơn thì chúng ta đang đổ đi phần lớn thức ăn còn dùng được, trong khi người dân của những nước thứ ba hoặc ngay chính ở nước ta đang chịu cảnh đói kém, thiếu nước sạch. Theo 1 thống kê năm 2012, 40% lương thực bị lãng phí khi vận chuyển và chế biến từ thô ở nông trại đến bàn ăn. Sau đó, lượng lương thực bị vất đi do thừa mứa, hư hại các kiểu chiếm 1/3 số lượng đó. Mỗi bữa tiệc cưới có khoảng 105kg thức ăn thừa, đủ để nuôi sống 200 trẻ em. Đó là còn chưa kể các dịp lễ lộc các kiểu, khi mà thức ăn trở thành 1 thứ mà người ta sẵn sàng hoang phí với tư tưởng "thừa hơn thiếu". Riêng ở Úc, 5.2 tỷ AUD hàng năm được chi trả cho việc dọn dẹp và xử lý số rác thải thực phẩm, nhiều hơn cả ngân sách quốc phòng của nhà nước chuột túi và đà điểu. Và ở hầu hết các nơi trên thế giới, việc thừa mứa thức ăn diễn ra phần lớn trong nền công nghiệp ăn uống: các nhà hàng. Làm việc với tư cách đầu bếp, tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu lần đĩa đồ ăn đem vào còn đến 3/4 chỉ với lý do "tôi không đói lắm" và phải đổ phí vào thùng rác, 1 bữa ăn đáng giá $20. Ở các tiệc buffet sáng của khách sạn, thức ăn thừa phải dổ đi chứ không được dùng lại. Đó là còn chưa kể các thức ăn hư, thức ăn quá hạn sử dụng đều có chung 1 điểm đến: thùng rác. Dù là 1 nhà hàng nhỏ và chỉ phục vụ từ sáng đến chiều, nghỉ 1 ngày trong tuần mà số lượng rác thải ra phải đến 5 thùng rác công cộng mới đủ, mà chiếm phần lớn chính là thức ăn thừa hoặc sản phẩm thừa từ việc nấu nướng như vỏ, lá dập, xương,... Có 2 lần phòng lạnh bị hỏng, thế là tôi và bếp trưởng phải ngồi phân loại thức ăn hỏng sau khi máy được sửa xong. Kết quả là đến gần 1/3 số thực phẩm thịt cá và thực phẩm đã chế biến phải cho vào sọt vì ôi thiêu. Một con số đáng sợ của nền công nghiệp thực phẩm. Ấy là còn chưa kể đến lượng khí Metan thả vào không khí khi xử lý các thực phẩm dư thừa. Người ta tính ra 1/4 lượng Metan thải ra ở những thành phố lớn ở Mỹ là do tiêu hủy thực phẩm. Và con người thì luôn muốn 1 thế giới xanh nhưng vẫn tiếp tục thừa mứa thức ăn.

Vậy nấu ăn ở nhà bạn được gì? Tình cảm thắm thiết bên gia đình và giảm thiểu sự thừa mứa thức ăn có hiêu quả. Lấy 1 ví dụ đơn giản nhất: bạn nấu cho gia đình mình 1 bữa ăn, bạn sẽ hiểu rõ ràng ai thích ăn cay và ai thích ăn nhạt, ăn mặn. Thế là việc gia giảm gia vị để hợp khẩu vị từng nguời trở nên dễ dàng hơn là khi bạn ra tiệm ăn và dặn anh bồi. Nếu món ăn cho trẻ em có ớt, bạn lại yêu cầu nhà hàng đổi lại món khác và bạn biết kết quả của món ăn đó không? Sọt rác hoặc cống. Hơn nữa, có bao giờ bạn thấy cái bánh mì nướng tại nhà và hủ sữa chua cất tại nhà ngon hơn loại mua ngoài siêu thị? Bởi vì nó được chính tay mình làm nên chứ không phải từ bất cứ nhà máy vô tri vô giác nào cả. Hơn nữa, tự làm bánh hay cất sữa chua, bạn sẽ chắc chắn được nguồn thực phẩm đầu vào không bao gồm các chất hóa họ mà bản thân mình cũng chẳng biết tên. Và để tôi nói cho bạn biết: chính những chất hóa học ấy, từ lúc tạo thành đến khi vào nhà máy, vào ổ bánh mì hay hộp sữa chua, cộng với việc vận hành nhà máy đã thải ra 1 lượng khí thải lớn đến kinh ngạc. Và khi tự làm, bằng cách này hay cách khác, bạn sẽ biết cách quan tâm đến những thành viên khác trong nhà: họ thích gì, họ ghét gì và tự mình học cũng như dạy người khác cách tiết kiệm thức ăn, vì bạn đã bỏ công làm ra chúng và hiểu rõ khi nào cần, khi nào không. Sẽ chẳng cần phải mua thừa mứa tốn bộn tiền rồi lại lo hết hạn sử dụng và quăng bỏ những thứ mua do sale ham rẻ rồi lại quá date. Và tôi chắc 1 điều rằng trong quá trình tự nấu nướng ấy, bạn sẽ nhận ra rằng những thứ tưởng như phức tạp (tỉ dụ như nướng bánh mỳ) lại dễ dàng đến không ngờ, và niềm vui cuộc sống sẽ đến chỉ vì bạn đã nấu thành công 1 nồi canh hay cất thành công 1 mẻ sữa chua hương dâu. Một cách sống chậm hợp thời.

"Tự cung tự cấp" trong thời hiện đại không có nghĩa là mỗi nhà nên mở 1 trang trại nuôi bò rồi tự sống với chúng, mà là tự đem đến cho mình những nhu yếu phẩm có thể và tự đem đến cho bản thân cũng như gia đình niềm vui nhỏ bé nhưng ấm áp. Có thể không phải bây giờ, chưa phải ngày mai là bạn có thể làm được, nhưng bắt đầu luôn là 1 buớc quan trọng. Hay thử trồng 1 mẻ giá đậu xanh, gieo mấy hạt ớt và thay vì đi ăn tiệm, hãy tự nấu cho mình 1 bữa ăn tối ngon lành với công thức đơn giản từ sách, tạp chí, TV hay internet. Hay thử lướt qua vài bức ảnh về người nghèo và trẻ em đói kém, tôi chắc bạn sẽ cân nhắc lại khi định đổ đi 1 thứ gì đó. Hãy cất nó lại, cho vào tủ lạnh và hâm lại vào ngày mai bạn nhé. Cũng xem như bạn đã tiết kiệm 1 bữa sáng giá 20,000 VND, hay với người dân Úc là $20 (440,000 VND)

(Bài đăng mục "Sống xanh mỗi ngày" trên trang Chiến dịch 350 VN - 1 trang web về chiến dịch sống xanh và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, hoạt động biến đổi khí hậu tại Việt Nam -  ngày 6/3/2013)

No comments:

Post a Comment