Friday, 12 April 2013

Mưa

Bài này viết đã lâu, nhiều suy nghĩ cũng đã thay đổi.

...

“Ở đâu mà chả có mưa?!”

Nó nói vẻ chán chường qua cái ống nói điện thoại cách tôi 1 đại dương. Tôi cũng chợt nghĩ mình có vẻ hơi ngốc.

“Ừ thì ở đâu chả có mưa?”

Cái đất Úc này hiếm mưa lắm. Càng ngày nước càng cạn, thậm chí cả tổng thống cũng từng khuyên người dân uống bia thay nước. Kể cũng là 1 kinh nghiệm, bay từ 1 nơi mà nước có thể chỉ để xả ra khỏi vòi để nuôi 1 đàn cá cảnh rẻ tiền đến 1 nơi mà mùa khô nếu xài quá số lượng nước quy định sẽ bị phạt rất nặng. Lúc đầu tôi cũng vẫn cái tính thích đắm mình dưới làn nước vòi sen mát lạnh cả tiếng, dần dà về sau cũng học được thói tiết kiệm và mỗi lần tắm không quá 7 phút.

Tôi – 1 đứa trẻ lớn lên nơi phố thị, chỉ được 1 lần duy nhất trong 12 năm tuổi thơ của mình tắm mưa. Nhưng trên đường đời, tôi đã trải qua biết bao nhiêu cơn mưa bất chợt ở cái đất Sài Gòn nóng quanh năm. Cái thời cấp 3 đã không biết bao lần phải dầm mưa đến trường hay về nhà, chỉ có mỗi cái bọc nylon to để đựng cặp cho khỏi ướt sách, còn áo mưa thì để quên đâu đó rồi. Cũng vài lần cắm trại cùng bạn bè, dầm mình dưới làn mưa mùa hạ, nghe mùi đất mới xông lên mũi. Và cũng không biết bao nhiêu lần ngồi trầm ngâm bên cửa sổ ngắm cái khoảnh sân nhỏ để phơi đồ của nhà tôi, gọi là giếng trời, trong khi nhâm nhi tách trà lài, tai thì nghe mấy bản nhạc Trịnh, tay thì cầm hờ quyển tiếu thuyết đang đọc dở. Cái giai điệu “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…” cứ văng vẳng bên tai tôi mỗi khi nhìn mưa rơi.

Ấy vậy mà vèo 1 cái, tôi đã xa cái thành phố sáng nắng chiều mưa ấy để đến 1 nơi mà hàng năm vẫn nằm trong danh sách “The most liveable cities”: Melbourne.

Ở Melbourne này, điều người ta làm mỗi khi thức dậy mỗi sáng là xem dự báo thời tiết. Ở đây người ta dự báo nhiệt độ và tình hình thời tiết sáng, trưa, chiều, tối, độ ẩm bao nhiêu, tốc độ gió thế nào, vào khoảng giờ nào có mưa, giờ nào nắng chứ không sơ sài như ở Việt Nam theo cái kiểu mà người ta vẫn thường đùa: “Hôm nay trời nhiều mây, có mưa nhiều nơi nhưng không biết nơi nào!”. Thời tiết Melbourne đỏng đảnh lắm, nhất là cái khoản nhiệt độ, nhưng mưa nắng thì vẫn có thể dự đoán được.

Còn ở Sài Gòn, mưa biết lúc nào? Cứ như chơi đoán mò, thích thì nó mưa, không thì nó nắng, và chỉ cách 1 ngã tư cũng có thể chia ra “2 bờ chiến tuyến”, 1 bên mưa như trút, 1 bên nắng ráo hoảnh. Bởi người Sài Gòn ra đường vẫn nhét theo cái áo mưa dày, ít nhất thì cũng cái áo mưa nylon để phòng lỡ mà ông Trời ổng đổ quạu bất chợt (có lẽ chỉ có tôi, sống hơn 20 năm ở sài Gòn mà chả bao giờ nhớ cái áo mưa!).

Ngày đầu tiên tôi đến Melbourne, trời mưa lâm râm cả ngày. Dì tôi đùa:

“Thằng này hên thiệt, mấy nay nắng muốn chết, tự dưng mày qua nó lại mưa.”

Vừa ra khỏi trạm tàu điện, trời đã bắt đầu rớt hột. Tôi chạy luýnh quýnh vào chiếc xe tram (xe điện) và thở phào vì nghĩ mình may mắn vì vừa kịp chuyến xe. Học từ 9 giờ sáng đến bây giờ đã hơn 7 giờ tối, lưng mang ba lô, tay xách lỉnh kỉnh bao nhiêu là thứ, quả là 1 ngày dài. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh, tôi nhìn ra cửa kính, mưa đang lớn dần. Trời lúc này đã vào thu, cây cối 2 bên đường đã dần chuyển màu vàng và đỏ trông rất đẹp mắt. Trên đường, những chiếc ô đủ màu đang di chuyển chậm chạp trong cơn mưa thu lạnh ngắt. Tất cả màu sắc và hình ảnh nhạt nhòa dần trong màn mưa. Gió từng chập quật vào cửa kính xe. Trên xe ai cũng đang gật gù xoa 2 bàn tay vào nhau cho ấm. Tôi vẫn nhìn ra ngoài cửa số, cố căng mắt nhìn những chiếc ô xoe tròn đang di chuyển, miệng khẽ hát:

“Giọt mưa, mưa ngâu, mưa ngâu, tròn xoe chiếc ô trên đầu…”

Vì nhà khá xa, tôi ngồi thả hồn vào mấy trò mini game trên iphone cho qua thời gian. Bỗng tự dưng tôi giật mình nhìn ra cửa kính. Trạm cuối. Ôi, tôi đã làm quái gì thế này? Mãi chơi game và đã đi lố nhà mười mấy trạm xe. Và nữa, bên ngoài, trời mưa tầm tã.

Những 45 phút sau mới có chuyến xe đi ngược về. 45 phút, tôi có thể chạy đi chạy lại tất tả làm đủ mọi việc, nhưng 45 phút đứng dưới một cái ô trong cơn giông với một cái ba lô nặng trịch và không làm gì ngoài việc đứng dưới một cái ô trong cơn giông với một cái ba lô nặng trịch. Không! Tôi quả quyết với chính mình. Và thế là tôi bước đi.

Tôi nào có biết đường đi về nhà. Nơi này quá xa khu nhà tôi, và tôi chẳng bao giờ phải xuống đến đây, như cậu ấm cô chiêu chả bao giờ mó tay vào bếp vậy. Nhưng tôi vẫn cứ phải đi, không thể đứng như pho tượng ở trạm xe xuống 45 phút được. Thế là mò mẫm trong cơn mưa theo đấu đường rây xe điện, tôi đi ngược lại hướng mình vừa đi. Mấy lần tôi suýt lạc mất đường rây vì cứ mãi đi mà không nhìn.

Đêm ướt át lạnh thấu xương. Tôi dè chừng trời chỉ còn 10-11 độ. Những cơn mưa cứ hất vào mặt, rơi lộp độp trên chiếc dù đen. Nhưng tôi lại thấy thanh thản đến lạ. Đã lâu rồi tôi không còn đi dưới mưa nữa. Lại một lần nữa, tôi nghe tiếng mưa rơi tí tách trên mặt đường. Một lần nữa, tôi ngửi được mùi đất xộc lên mũi. Một lần nữa, những chiếc xe lao vụt trên đường, bắn nước lên tung tóe. Một lần nữa, tôi cảm thấy mưa.

Mưa hè Sài Gòn mát mẻ giữa cái nóng oi ả mùa hạ báo hiệu cho mùa chia tay. Mưa thu Melbourne lạnh lẽo buốt giá với những chiếc lá phong vàng rộp ướt đẫm bay trong gió. Mưa hè Sài Gòn làm người ta nhăn mặt, chui mình vào chiếc áo mưa có mùi âm ẩm rồi rồ ga băng băng trên đường. Mưa thu Melbourne dù lạnh lẽo nhưng lại khiến người ta cười, những chiếc ô đủ màu được căng lên và người ta lại bước tiếp dưới mưa. Mưa hè Sài Gòn thấm ướt đôi tình nhân, làm họ sát vào nhau, quyện lấy nhau mà tìm hơi ấm (mà có thể là lạnh và ướt quá nên cũng chẳng còn thấy hạnh phúc gì cho cam!). Mưa thu Melbourne khiến người ta xích lại bên nhau dưới những chiếc ô sặc sỡ, và rồi tình yêu lại bắt đầu (tôi nghĩ vậy).

Sau gần 1 tiếng lầm lũi, tôi cũng leo lên được chuyến xe điện về nhà. Thay đồ ướt ra và nằm dài trên giường. Liếc nhìn đông hồ, 9h50 tối. Tôi nhấc điện thoại lên và gọi cuộc gọi đường dài qua đại dương.

“Alo?”

“Biết gì không, Melbourne mới mưa này!”



13/6/2010

Thursday, 11 April 2013

Lan man tùy bút (2)

3. Sài Gòn trở gió. Trời ấm, không nóng, cũng chẳng lạnh, chỉ có gió thổi ào ào cùng những đám mây dày vần vũ. Người Sài Gòn đợi mưa? Hay người Sài Gòn mong nắng?

Nếu là một ngày mưa, tôi thích ngồi ngả lưng ở một nơi nào đó, cao cao, có cửa kính để nhìn xuống những con phố nhạt nhòa qua làn mưa. Có khi, tôi thích ngồi co chân trên ghế sofa, đầu ngả nghiêng, đọc 1 cuốn tản văn. Cũng có khi, tôi thích ngồi bên bậu cửa sổ (nếu có), nhìn những giọt mưa vỗ vào cửa kính, thấy nước chảy nhạt nhòa trên kính, muôn hình vạn trạng không khác gì những bông tuyết diệu kỳ. Mọi thứ nhạt nhòa trong mưa, chẳng cần rượu, người ta vẫn có thể thấy được sự nhạt nhòa của thế giới xung quanh. Ánh đèn đường vàng xanh đỏ nhòe thành những điểm ảnh trong mưa, tạo nên những điểm "bokeh" đẹp tuyệt vời. Âm thanh thành phố chìm khuất trong những cơn mưa. Đâu rồi tiếng ầm ầm những chiếc xe tải chạy trên đường? Đâu rồi tiếng lọc cọc xe đạp trong hẻm nhỏ? Đâu rồi tiếng rao hàng rong giữa trưa hè? Đâu rồi những âm thanh thân quen? Tất cả đã chìm trong màn mưa rồi, đã chìm trong tiếng mưa rồi. Chúng hòa vào nhau, làm cho mưa càng nặng nề, trĩu năng. 

Tôi không biết bà cụ người Trung bán vé số đang làm gìtrong cơn mưa. Bà có đang mặc áo mưa nylon, đôi nón lá và tiếp tục đi rao vé số trong những quán cafe như trong đa số những bộ phim? Tôi không biết em bé đánh giày ở ngã tư đó đang làm gì. Em đang đục mưa dưới một mái hiên, hay đang co ro trong 1 căn nhà cũ mái tôn rỉ rả dột nước? Tôi cũng không rõ những người dưng mà tôi vẫn gặp đó như thế nào khi cơn mưa về. Hàng rau có còn ở đó? Quầy thịt có bán được hàng không? Có người bảo tôi dư hơi, sao lại đi mông lung nghĩ về những người mà tôi thậm chí không biết tên? Tôi không đáp được, mà có lẽ tôi cũng chẳng có gì để đáp, không đủ ngôn từ để trả lời. Thôi thì cứ mặc kệ tôi đi, xem như tôi bị hâm khi trời mưa lại đi băn khoăn về người dưng nước lã. 

Tôi thích một trưa hay chiều mưa, khi mình không cần phải ra đường. Cho dù mỗi khi trời mưa, tôi thấy bản thân mình cô đơn, trống trải và lạnh lẽo giữa bầu trời xám cùng tiếng mưa rào rào ngoài hiên. Nhưng tôi cho là giữa cuộc sống bộn bề vội vã này, một chút cô đơn là cần thiết, để người ta tự vấn bản thân mình, cũng như với tôi: là để băn khoăn về những con người tôi không nhớ mặt và chưa hề biết tên. 

4. Ngồi trong quán, ngắm ngã ba Đề Thám và Phạm Ngũ Lão xe chạy băng băng. Tôi nhấm nháp ly cà phê sữa của mình, tự mình đắm chìm trong những ca khúc Trịnh qua giọng ca của Khánh Ly. Rất Sài Gòn. Có chăng là tôi đang ngồi trong 1 quán cà phê sang trọng có máy lạnh, có cửa kính to, có sofa (tôi đang ngồi), và quây quanh tôi là rất nhiều "ông Tây bà đầm" đang trò chuyện về cuộc hành trình đã qua và sắp tới. Đôi lúc, tôi nghe loáng thoáng ai đó than rằng: Sài Gòn nóng quá, như đổ lửa ban trưa. Tôi cười thầm và tự nhủ: ít ra Sài Gòn vẫn còn giữ được chút gì đó.

Tôi hay nhớ. Tự mình đắm chìm vào những vùng ký ức xa xưa không thể gọi tên. Có người gọi nó là tuổi thơ. Nhưng tuổi thơ tôi, không gắn liền cùng bạn bè với những trò chơi, những con diều hay viên bi màu (tôi thú thật là không biết bắn bi hay tạc lon). Tuổi thơ của tôi là bạn cùng sách, những trưa hè không ngủ ngắm mây từ cửa sổ gác nhỏ, hương cà phê sữa mới pha, tiếng dao chặt trên thớt, nhạc Trịnh từ cái máy hát mà ba đã dành dụm mãi mới mua được. Tôi có những chiều tuổi thơ ngồi ngắm những cành xanh lá dưới ánh tịch dương trên sân thượng, nơi gió lồng lộng thổi, và tôi, một đứa trẻ thành thị xóm lao động, cô lập và tự lập, thích nhìn thế giới thu nhỏ từ sân thượng, để tự huyễn hoặc rằng: mình đang ở rất cao (cao nhất xóm).

Tôi nhớ đó là 1 buổi sáng lúc tôi khoảng 5 tuổi. Tôi được cậu Sáu chở đi uống cà phê. Tuy quãng đường từ nhà ra đó chỉ vài trăm mét, băng qua 1 cái chợ là tới, nhưng với 1 đứa trẻ nít 5 tuổi, đó là 1 quãng đuờng phiêu lưu. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in góc nào có bà bán cá, chỗ nào bán thịt bò, ở đâu bán bún, nơi nào có tiệm bán bánh su dọc theo con đường chợ. Tôi nhớ cậu Sáu có cái xe đạp sườn thẳng. Cậu, như những người cậu khác, hay như những người đàn ông thời bấy giờ, có vóc dáng mảnh dẻ, mặc chiếc áo sơ mi, quần tây xám, mái tóc dài bồng bềnh lãng tử. Cậu đúng là người lãng tử thật, câu biết chơi đàn vĩ cầm, biết thổi kèn harmonica, biết làm mấy món thủ công tinh xảo và cũng rất văn thơ lãng mạn. Quán cà phê, như bất kỳ quán cà phê lề đường nào của Sài Gòn đầu thập niên 90, một nét đặc trưng của Sài Gòn từ những năm tháng huy hoàng, nằm trên vỉa hè, có những cái bàn gỗ xếp nhỏ, ghế đẩu bằng gỗ nhỏ, cát sét phát nhạc Trịnh với tiếng ca của Khánh Ly hay nhạc Ngô Thụy Miên. Cà phê pha phin nhôm. Ly cà phê sữa nhỏ, dưới có chế sữa Ông Thọ, phin cà phê nhôm bên trên được rót đầy nước sôi, nhỏ từng giọt cà phê đen xuống. Có người gọi đó là một nghệ thuật, và người Sài Gòn, ngồi trên vỉa hè, ngắm xe chạy, ngắm những giọt cà phê tí tách rơi trên lớp sữa vàng, chia chiếc ly thủy tinh thành 2 màu, chính là những người nghệ sĩ. Một buổi trình diễn chẳng đáng bao tiền. Nhưng nó gần gũi và đi vào đời sống của biết bao thế hệ người Sài Gòn. Dù bây giờ, vì cuộc sống bộn bề hối hả, thú vui ngắm cà phê phin rơi rơi đã dần đi vào dĩ vãng. Nhưng có lẽ, chỉ cần Sài Gòn còn sống, tiếng tí tách của giọt cà phê rơi, sẽ vẫn mãi còn sống.

Sài Gòn những năm mới mở cửa có gì? Đó là những con người giữa hai thế hệ đang đi tìm bản thân. Họ thể hiện mình như những lãng tử ngồi cà phê vỉa hè, có khi đàn lên những bản tình ca từ cây ghi ta, có khi là những vòng khói thuốc trắng. Họ là những bác xích lô ngồi uống cà phê, chờ có ai đó đến gọi chở bà này đi chùa Vĩnh Nghiêm, hay ông nọ xuống Hóc Môn, hay ai đó với 1 ề đồ đạc quang gánh. Trong xóm tôi có ông xích lô tên Sang. Người xưa nói: đặt tên xấu thì đời ít khổ, chứ đặt tên đẹp thì hay bị trời ghét mà trù dập. Ông Sang thì không thể nói là "sang" được. Ông có cái quần cộc, áo sơ mi phanh ngực, dáng người ốm, da dẻ ngâm ngâm. Ông không biết chữ, nhưng túi áo lúc nào cũng có cuốn sổ tay và cây viết. Sau này, tôi mới biết là ông dùng nó chỉ để ghi số đề mà thôi. Sài Gòn khi đó không có nhiều xe hợi chạy (trước đó có lẽ có nhiều hơn), xe hơi được liên tưởng là những chiếc taxi vàng, còn lại là những chiếc cub xanh, những chiếc xe đạp cọc cạch, những chiếc xích lô, những chiế mô-bi-lếch ồn ào, xe lam è è ì ạch, hay xe ba gác chở thuê. Ai giàu lắm thì sắm được chiếc Dream chạy là oách lắm rồi. Người ta hối hả làm ăn, nhưng đâu đó trong bộn bề, họ vẫn tìm ra những khoảng lặng giữa Sài Gòn để rít điếu thuốc, để nhâm nhi ly cà phê. Đời còn nghèo, nhưng con người vẫn còn vui. 

Ngày hôm đó, như bao chầu cà phê khác, cậu ngồi đọc báo, hút thuốc. Để cho tôi tự mình nhấm nháp ly cà phê sữa nhỏ và ngắm phố. Sài Gòn nóng lắm, nên người Sài Gòn uống cà phê với đá. Thế là sau khi hết cà phê, người ta đâm ra có thói quen cắn nước đá nghe rốp rốp. Và sau khi hết cà phê, khách được bà chủ tặng kèm 1 ấm trà bằng nhôm. cái ấm hình chóp cắt ngang, có cái núm trên nắp và quai bằng nhựa màu đen, được cột với nhau bằng sợ dây nylon xanh đỏ đã tưa. Người ta rót trà vào ly đá còn cặn cà phê. Vừa uống vừa cắn đá. Có lẽ vì như vậy mà tôi, như nhiều người Sài Gòn khác, có thói quen cắn nước đá từ rất bé. Lúc đó, giữa sáng cà phê, có bà hàng xóm đi ngang, báo mẹ tôi tìm tôi, vậy là đứa trẻ tôi thấy lo, vì sợ đòn. Nhưng dù rất muốn chạy, tôi cũng phải chờ cậu tôi uống xong ly cà phê mới chở tôi về được. Kết quả là tôi bị la 1 trận té tát vì đi mà không xin phép, dù đi với cậu mình (ở chung nhà). 

Tuổi thơ tôi trôi qua như thế, không nhiều bạn bè, không những cánh đồng, không sáo diều, không bắn bi, không đánh đáo, không tạc lon,... Chỉ có những bữa cà phê với những người cậu, chỉ có những ngày Chúa Nhật được chở đi Tao Đàn, hay những buổi chiều đi "Bác Hồ" để mua con sâu giấy, để thổi bóng xà phòng và để nhìn đàn chím én bay về tổ trong ánh tịch dương. Tôi lấy những con rô bô nhựa làm bạn, lấy sách làm tri kỷ, lấy mây trắng làm hàng xóm. Bây giờ nghĩ lại, tuổi thơ đó có êm đềm không? Tôi đã nghĩ gì những trưa hè chỉ nằm ngắm mây trôi? Tôi lúc ấy có hiểu không những điệu nhạc của Trịnh? Tôi có chán không giọng hát trầm buồn của Khánh Ly? Tôi nghĩ gì khi uống ly cà phê đầu tiên, khi cắn viên nước đá đầu tiên, khi ngửi thấy mùi sình trên đường chợ? Tôi cũng không rõ. Tất cả như chẳng phải để rút ra bài học gì cả, mà là những đoạn ký ức rời rạc của quá khứ, trôi đim, mà vào những lúc nào đó trong cuộc đời, người ta bắt gặp chúng và nhớ, thế thôi. 

Con người được cấu thành bởi ký ức, sống trong hiện tại và mơ về tương lai. Người ta có thể muốn quên đi để hướng tới ngày mai, nhưng dù muốn hay không, họ luôn mang theo mình những miền ký ức. Và vào 1 lúc nào đó, dù họ có muốn hay không, chúng sẽ quay về, trong những giấc mơ, để nhắc ta nhớ rằng: đã có lúc, chúng ta, những con người đã đi qua miền tối và sáng, từng là những đứa trẻ, ước mơ về một ngày lớn lên, dù chúng chẳng biết "lớn lên" để làm gì.

Tuesday, 9 April 2013

Lan man tùy bút (1)

Mua cuốn "Miên man tùy bút" của nữ nhà văn mình yêu thích: Lý Lan. Gặp lúc nhiều phiền muộn, nên thôi mình cũng viết "Lan man tùy bút". Tùy bút mà, muốn viết gì là viết thôi, còn sau này có ai đọc hay không thì lại là chuyện "hạ hồi phân giải".

1. Trưởng thôn Văn Hiệp qua đời. Ông thật ra không phải là 1 trưởng thôn thật sự (trên mặt lý thuyết giấy tờ hành chính) nhưng lại là trưởng thôn của làng hài miền Bắc. Tôi nhớ cách đây không lâu, tôi tình cờ tìm được link xem lại vở hài kịch dài: Gặp nhau cuối năm, những năm đầu, câu chuyên cải biên từ chuyện tình Titanic giữa Rose và Jack, nay được thế bằng Vân Dung và Xuân Bắc. Hầu hết hài miền Bắc, chỉ cần có ai đó í ới gọi "bác trưởng thôn ơi" như trong vỏe này, thì nhất được 99% người xuất hiện là nghệ sĩ Văn Hiệp.

Ông qua đời năm 71 tuổi vì bệnh phổi. Có người nói là 1 điều đáng tiếc. Nhưng xét cho cùng, có ai có thể sống mãi? Ông đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hi, đã cống hiên cuộc đời mình cho sân khấu Việt Nam, dù ít dù nhiều. Vậy ông ra đi, âu cũng là cái số đã tận, nhưng gì ông đã làm, xin để lại cho hậu thế gìn giữ. 

Xin kinh cẩn ngã mũ trước ông. Mong ông sớm ngày yên nghỉ.

2. Đọc Miên man tùy bút của Lý Lan, có 1 đoạn ngắn kể về ông người bạn ngoại quốc của cô nói đại khái: SG ít chim quá, trừ chim trong lồng. Rồi đột ngột đàn én bay qua: SG luôn đầy những bất ngờ.

Nhớ hồi còn nhỏ (ít nhất cũng 4 tuổi, nhiều lắm thì mười), chiều chiều hay được ba mẹ đưa đi "Bác Hồ" chơi. "Bác Hồ" đây ý nói công viên phía trước UBNDTP, trên đại lộ Nguyên Huệ. Năm đó kinh tế mới mở cửa, mọi thứ còn đang trong giai đoạn chuyển đội từ một xã hội bao cấp sang một nền kinh tế mới. Ba năm đó còn làm cho mấy nhà xuất bản, chạy chiếc Cub honda màu xanh bộ đội. Cũng như bất cứ đứa trẻ nào ở Sài Gòn (hoặc cả Việt Nam), tôi cũng ngồi ở phía trước, co gối và thả mình vào dòng nguời trên đường. Tôi nhớ lắm Nguyễn Huệ khi ấy. Vẫn đâu đó những cửa tiệm với bảng viết sơn, mới hơn thì có bảng mê-ca có bóng đèn. Cửa lúc ấy là cửa sắt kéo tay. Đâu đó là những ngôi nhà "mái bằng đá rửa" đặc trưng của kiến trúc Tây phương miền Nam. 

Nhà tôi ở quận 4, chạy qua cầu Khánh Hội, tới bến Bạch Đằng, rẽ vào đường Nguyễn Huệ. Chạy thêm 1 đoạn sẽ tới bồn binh, cũng là bồn phun nước, bao ngòai bởi những cành liễu phất phơ trong gió chiều. "Bác Hồ" lúc ấy đầy những cha mẹ dẫn con đi chơi chiều, những thợ chụp ảnh tay cầm máy ảnh to đùng, khoác áo kiểu "ghi lê" cọc tay nhiều túi (trở thành biểu tượng của người theo nghề chụp ảnh thời đó), những người bán hàng rong, bán cả những món đồ chơi trẻ con. Tôi mê nhất là con sâu (hay rắn) làm bằng giấy màu, đầu bằng giấy bìa trắng cứng, bên dưới là 1 trục quay được xỏ dây thun, có nối chỉ, đầu kia nối với một que gỗ, khi kéo đi, con sâu giấy đi theo, mà còn có cảm giấc nặng tay như con sâu giấy là 1 vật sống thật. Tượng Bác khi ấy đối với đứa trẻ nít như tôi là cái gì đó to lớn kỳ lạ, tôi mất nhiều nhiều nhiều năm sau đó để nhìn ra bức tượng đó diễn tả cảnh Bác và em bé cùng đọc sách trên cái bàn là phiến đá ngang. Đến tận bây giờ, tôi vẫn hình dung đó là Bác và cậu bé cùng đi xe..... Vespa (loại vespa cũ thời ấy, màu xám, chạy nghe lục cục vui tai). Kể cũng giống chứ.

Và ngoài những lúc được chạy nhảy, thoát khỏi căn nhà trong xóm lao động tản cư, còn đó một kỳ quan của Sài Gòn mà tôi rất thích: đàn chim én. Hồi đó, tôi nào có biết đến việc "én về là xuân về" chi đâu. Chỉ nhớ là chiều chiều, khi hoàng hôn dần tàn, hàng đàn én bay về tổ, ngợp trời khu vực trung tâm thành phố. Chúng làm tổ ở các chung cư cũ, những tòa cao ốc cũ, khách sạn cũ. Số lượng én lúc đó chắc cũng phải đến hàng trăm, có khi cả ngàn con không chừng. Mỗi khi chiều về, én về tổ, từng đàn chim đen kịt bay qua bầu trời gió nhẹ, kêu chíp chíp (hay cái gì đó tương tự), choáng ngợp cả không gian. 

Trong hiểu biết của đứa trẻ thị thành xóm tản cư, chim chỉ có 3 loại: bồ câu ở nhà hàng xóm, chim sẻ nhỏ xíu bay lung tung, và những đàn én đen kịt ở Sài Gòn (cách mà nhiều người gọi trung tâm thành phố). Bọn chim sẻ ngày nào cũng thấy, bọn bồ câu chỉ gù gù và bay bay, không gì lạ. Chỉ có đàn én buổi chiều tà là điểm đặc biệt mà tôi luôn mong ngón mỗi khi được chở đi chơi. Nếu không thấy, tôi luôn tự hỏi: chúng đã đi đâu? Những con chim đen ấy đã đi đâu?

Và bây giờ, tôi cũng tự hỏi mình câu hỏi ấy: chúng đã đi đâu, những con chim én? Sài Gòn vẫn còn những đàn én, nhưng ngày càng ít, và quả thật là ít hơn hẳn so với những năm đầu thập niên 90. Tôi không rõ là người ta có bắt én như bắt sẻ đi phóng sanh trước chùa không. Tôi cũng không rõ có phải do mỗi trường ô nhiễm đã đuổi đàn én đi không. Nhưng tôi nghĩ chắc có lẽ là do những công trình cũ, nơi bọn én làm tổ, dần dần bị đập đi, phá đi, để xây lại "cho mới". Đến cả Eden mall nổi tiếng cũng đã bị thay bằng 1 trung tâm mua sắm trắng toát và vô hồn, không có gì là đẹp, cũng chẳng ra bất cứ trường phái kiến trúc nào. Khách sạn Rex đã bị đổi mặt tiện, thay bằng những tảng hoa cương lạnh lẽo không có gì nổi bật, bên cạnh là những shop ki-ôt của những thương hiệu thời trang nổi tiếng như Chanel, YSL,... Đàn én mất tổ và bay đi. Hoặc có lẽ chúng buồn và bay đi. Cũng như cái hồn xưa cũ của Sài Gòn vậy.

Sài Gòn có còn là Sài Gòn không khi mỗi ngày, những dấu tích, đã làm nên tên tuổi của Sài Gòn qua những năm tháng huy hoàng, dần bị thay thế bằng những kiến trúc mới? Người Sài Gòn có còn là người Sài Gòn không khi thói quen mỗi sáng, bên lề đường, nhâm nhi ly cà phê pha phin và trà trong cái ấm nhôm đang mất dần? Sài Gòn bây giờ là Bitexco cao chọc trời, là Vincom vô hồn, là cà phê đóng chai trong siêu thị, là những quán "trà chanh, phô mai que" du nhập từ Hà Nội như cái mốt của giới trẻ, là Starbucks, là Burger King... Cái Sài Gòn đã đi rồi, cũng như đàn én đã đi rồi. Đàn én, mỗi năm đến mùa xuân, lại bay về chốn xưa làm tổ, nhưng cái Sài Gòn, liệu có còn quay về hay chăng? Tôi chỉ mong sẽ không phải đóng vai một "Việt Kiều" quay về nước sau nhiều năm, để rồi thốt lên rằng: đây không phải Sài Gòn, đây chỉ là một vùng đất cũng mang tên Sài Gòn mà thôi.

Monday, 8 April 2013

Tản văn trưa nhớ

Trời Sài Gòn ngày càng nóng. Mỗi ngày, Sài Gòn lại thể hiện 1 cái nóng hơi khác. VD như thứ bảy tuần rồi, trời nóng và nắng gắt. Đến chủ nhật, trời hầm và nực nội, đén tầm 11 giờ trưa, trời mưa, hai chục phút sau thì tạnh, để lại cho Sài Gòn cái nóng kèm theo hơi ẩm của cơn mưa, nhưng ít ra buổi chiều vẫn mát mẻ, nắng đẹp nhưng không gắt. Hôm nay thứ hai, trời nóng hầm hập nhưng lại âm u như muốn mưa mà lại chẳng mưa. Kiểu như người ta muốn hắt hơi mà lại không được, cảm giác khó chịu kẹt lại ngay mũi.

Quán cà phê những ngày nóng đông hơn thường lệ. Xe máy xếp sát nhau, hết hàng dọc lại hàng ngang, đông chắc gần gấp đôi so với cách đây nửa tháng. Tôi cố gắng tìm 1 cái bàn gần cửa sổ nhưng không có, đành ngồi bàn gần cầu thang, vì đây là chỗ duy nhất còn trống. Tôi ngồi bên ly cà phê, nhìn bâng quơ qua cái cửa sổ to xéo xéo. Bên kia đường, công viên 23/9, cây phượng đỏ đang trổ hoa chào hè, đối diện nó là cây điệp vàng cũng trổ hoa rực rỡ giữa cái nóng đầu hạ. Sài Gòn thế là đẹp. 

Mỗi ngày đều đặn, tôi chở nhỏ em đi học về trên đường Phạm Ngọc Thạch. Đôi khi gió nổi lên, lá vàng, hoa điệp, lá me rơi lả tả dưới cái nắng chiều vàng vọt. Sài Gòn nào thiếu đẹp như Châu Âu mùa thu?  

Từ năm lớp 15 tuổi, tôi bắt đầu bị viêm xoang, dù không quá nặng nhưng khứu giác bị ảnh hưởng nhiều khi bị nghẹt mũi liên tục. Tuy việc này không ảnh hưởng nhiều trong khi làm việc nhưng đối khi lại bất tiện khi tôi cần nhớ về 1 đoạn ký ức bằng mùi hương. Tôi nhớ gì? 

Trưa hôm qua, bạn chở tôi đi trên đường ở quận 7, con đường dài, không nhiều những tòa cao ốc san sát như trung tâm, thay vào đó là nhà cửa, trung tâm mua sắm xen lẫn những khoảng cây xanh bỏ hoang. Hôm qua, nắng chiều đẹp hơn bao giờ hết (hay ít nhất là đẹp nhất trong khả năng nhớ của tôi). Và tôi đã cố gắng hít thở. Tôi ngửi thấy mùi cỏ, mùi ẩm đất nhè nhẹ, hương của những trảng cỏ trong ký ức xa xưa. Xe chạy chốc chốc lại bật lên vì những vạch giảm tốc. Tôi thì buồn ngủ lắm, vì phải liên tục mấy ngày liền làm việc khuya và dậy sớm. Bên tai, tôi nghe tiếng ô tô, xe máy, nghe những lùm cỏ, rặng cây xào xạc như một buổi trưa hè nhiều năm về trước. Trong cái trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tôi nhớ, hoặc có lẽ là mơ, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: "Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời". 

Khi tôi còn là một đứa trẻ lên tám, những ngày hè là những ngày rời xa thành phố, rời xa xóm lao động tản cư để quay về nơi ba má tôi lớn lên. Bạc Liêu với tôi là cái gì đó xa vời vợi mà mỗi năm tôi chỉ về khi Tết đến hay hè về. Tôi ngồi trên xe, chẳng nhận ra gì ngoài 3 thứ: phà ở bắc Mỹ Thuận (người miền Tây gọi bến phà là bắc), phà ở bắc Cần Thơ và cây cột ăng ten cao cao ở Bạc Liêu, đến nhà rồi. Ngôi nhà cũ trong ký ức có cái cổng sơn màu xanh dương, lớp thép bên dưới, gần sát mặt sân xi măng, đã cũ, thủng lỗ chỗ, có cây vạn hoa lầu kế bên (loại bông giấy, lá xanh đậm hình ngòi bút, hoa nhỏ hơn và đậm màu hơn, gai nhỏ và cứng hơn hoa giấy). Trước nhà, dù ở trung tâm thị xã, có con mương hẹp, hai bên mọc đầy cỏ mây, bông lau, cỏ lúa, cây mắc cỡ, càng cua, những chồi non của cây me (do ai đó ăn me xong phun hạt xuống), nơi mà tôi hay cùng 2 đứa em họ đi bắt chuồn chuồn vào những trưa hè, để một lần trượt chân té mương, la ỏm tỏi và thúi ùm. 

Trước nhà có con chó cái tên Ki màu vàng, rất khôn và dữ, mấy năm sau, nó chết vì già. 

Tôi không có cái tuổi thơ cùng bạn bè đi đánh đáo, bắn bi hay trốn tìm, vì gia đình tôi không muốn tôi bị đám con nít xóm lao động ảnh hưởng, sao nhãn việc học, nên giữ con kĩ như giữ vàng. Nên đối với tôi, những ngày hè ở quê là quý giá. Tôi nhớ những cơn mưa mùa hè. Mát mẻ và sảng khoái. Tôi thích ngồi trước nhà, nơi chú thím bán quán cà phê, xếp những con thuyền bằng giấy tập cũ, thả theo dòng nước của "cơn mưa bong bóng". Rồi những ngày nắng, tụi tôi đi kiếm nến, giấy, rồi đi hái trộm lá dứa nhà hàng xóm về nấu cơm trong cái cóng nhôm. Những ngày hè, thường gắn liền với những bữa cơm trưa mát mẻ. Căn nhà cũ (giờ đã sửa khác xưa), có cái bếp có cửa sổ 2 mặt, bên tay phải có cửa mở ra sau hè, nơi có sàn lảng rửa chén, có cái lu đựng nước mưa và nơi mắc dây phơi đồ. Trời mưa, cả nhà ngồi ăn cơm dưới sàn bếp. Nghe mưa tí tách và gió mát lạnh phà vào giữa bữa cơm. Một bữa cơm tiêu chuẩn mà tôi nhớ được và luôn thích bao gồm: cá thu kho tộ, canh chua cá bông lau và mực xào rau củ. Tráng miệng sẽ có dưa hấu hoặc xoài. Đó là bữa ăn của tuổi thơ loanh quanh trong sân cùng đàn kiến, cây vạn hoa lầu và tiếng ếch (hay cóc, nhái, ễnh ương, chằn hiu gì đó) ì oạp trong bụi cây khi mưa về. 

Căn nhà xưa giờ đã khác. Con Ki đã chết. Cây vạn hoa lầu đã bị đốn. Cái sân hè cũng xây kiểu khác. Cái cổng xanh đã bỏ, thay bằng cái cổng khác, sơn màu xám trắng. Cái mương giờ đã được đậy nắp bê tông, những bụi cỏ cũng đã bị nhổ, lề đường đổ xi măng. Con người cũng đã thay đổi, chẳng còn ai như cái ngày xa xưa đó nữa. Cuộc sống và số mệnh đã đưa đẩy chúng tôi, theo cách này hay cách khác, đến những nơi khác nhau, có thể chẳng như chúng tôi đã từng mờ về trong những ngày hè tuổi thơ ấy. Trong tôi, mùa hè năm ấy chỉ còn văng vẳmg tiếng dế, tiếng mưa tí tách, tiếng chim heo kêu về đêm, tiếng dừa trước nhà xào xạc những trưa hè, tiếng của những băng cát sét hay đĩa nhạc Trinh văng vẳng bên tai. Chúng là hương của nắng, hương của lá dứa nấu cơm, hương của món cá kho tộ, của cây kem đậu xanh đậu đỏ.

Và có lẽ là tiếng rao và mùi vị của món bánh củ cải. Món bánh của người Tiều, người bán là một bà trung niên phốp pháp, mặc bộ đồ bộ bà ba, đầu đội nón lá, chân xỏ dép nhựa, gánh bánh đi bán dạo. Bánh củ cái là lớp da bột hấp, gói nhân tôm, thịt, củ cải, cà rốt thái mỏng, ăn kèm nước mắm pha. Đó là tiếng rao của ngày thơ ấu, là món ăn xa vời vợi của 1 thời tuổi thơ, là thứ để tôi nhớ về quê hương mỗi khi phiền muộn. Nhưng cũng như những thứ khác, đã lùi vào dĩ vãng. Tôi không biết bà, giờ chắc đã là một cụ bà tóc trắng, có còn bán hay không. Bà có còn quang gánh bán dạo qua con đường ấy, rao lên rằng "Ai bánh củ cải" như trong ký ức của tôi không? Tôi không biết, mà cũng không dám biết. Vì sợ rằng sẽ lại thêm 1 lần tiếc nuối những ký ức xa xưa. Thời gian tàn bạo, dòng đời tàn bạo, tất cả đã qua rồi, những dĩ vãng. Đôi lúc, tôi tự nói với mình hãy quên đi những dĩ vãng để tiến lên, để rồi phát hiện mình còn vương vấn nhiều quá những cảm xúc vụn vặt thời thơ dại ấy. 

Tôi học gì từ những ngày thơ? Có lẽ chẳng gì cả, ngoài việc trân trọng những ký ức đã phai nhạt, như cất giữ những tấm ảnh cũ trong một cuốn album, cho nó vào 1 góc tủ. Để rồi một ngày nào đó, khi "mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi" (Ngẫu nhiên - Trịnh Công Sơn), tôi lại nhìn vào những bức ảnh đã úa màu cùng thời gian, để nhớ về những ngày mà chẳng bao giờ tìm lại được.

Bên ngoài, ngã ba Đề Thám và Phạm Ngũ Lão vẫn ùn ùn xe chạy, dẫu giữa ban trưa nóng đến lột da. Bầu trời đầy mây âm u và buồn bã, gió dìu dặt những tiếng xào xạc trên những rặng cây, lâu lâu lại nổi lớn, thổi rụng những cánh phượng đỏ nhưng những con bướm đỏ, những cánh điệp vàng như đàn bướm vàng nhỏ xíu, và những lá me nhỏ xíu, vàng vọt bay bay. 

"Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời
Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy
Giật mình tỉnh ra ồ nắng lên rồi"

(Bên đời hiu quạnh - Trịnh Công Sơn)

Sunday, 31 March 2013

Nhật ký đêm bệnh

Vã thuốc, cơn sốt kéo về, tôi tỉnh giấc nửa đêm. Trời Sài Gòn nóng hầm hập tháng tư. Hoa phượng đã chính thức nhuộm sắc đỏ cho Sài Gòn. Cái màn cửa khẽ rung, gió đêm lặng lẽ len vào phòng, nhưng như kẻ trộm nhẹ nhàng có chút e ngại, gió đi ngay, chỉ để lại hương đêm phảng phất. Là hương của gì? Của cây Dạ Lý Hương trước sân? Hay sự trong lành của không khí đêm không khói bụi? Tôi không biết.

Đã gần 4 tháng, cơn sốt răng khôn không đến, làm tôi tưởng nó đi luôn rồi nên không thèm trở lại phẫu thuật nốt 2 cái còn lại. Lầm to rồi Mèo à! Và cũng như hầu hết mọi lần, cơn đau xé thịt và cơn sốt hầm hập đến khi công việc bận rộn nhất cũng như những mâu thuẫn trong các mối quan hệ trở nên căng thẳng nhất. Tôi tự hỏi không biết có phải vì những điều trên mà răng khôn gây sốt, hay răng khôn sốt là dấu hiệu những việc trên, hay là cả 2 là đôi bạn đồng hành, đến cùng đến, đi cùng đi? Ông nha sĩ cũng đã phán: 2 cái răng khôn dưới của tôi là lệch hẳn hòi, vì xương hàm không đủ chỗ nên khi nó mọc bị lệch, không thể mọc hết mà chỉ cố gắng đẩy đám răng còn lại méo xẹo và rất đau nhưng nhất quyết không mọc được. Cá biệt cái răng bên trái (chưa nhổ) thì lại sau nhiều lần mọc không được nên thay vì mọc lên, nó chuyển hướng đâm thẳng ra ngoài. Còn răng hàm trên thì chưa có dấu hiệu. Hồi mới về Việt Nam, tôi phẫu thuật ngay hai cái, nhưng rồi bẵng đi 1 thời gian, tụi răng cỏ còn lại thấy cũng im im chẳng động tĩnh, tưởng thôi, nên tôi lơ là, hóa ra là chúng đợi lúc tôi mệt mỏi và điên cuồng nhất thì tấn công. Đúng là biết chọn thời cơ ghê nơi! Nhưng cũng chịu thôi, vì lịch công việc tuần sau ráo riết và bận đến nỗi tôi không thể cho phép mình đi làm phẫu thuật và nằm nhà ngày nào được. Vậy là mấy ông nha sĩ sẽ phải chờ đến tuần sau nữa, khi công việc giãn giãn thì tôi mới diện kiến phòng khám nha được.

Lịch làm việc thật ra dồn vào cuối tuần: thứ 6 - 7 - chủ nhật đều phải đi làm, nhưng công việc chuẩn bị phải làm từ thứ 2 nếu không muốn thức trắng ba ngày đó. Công việc 2 ngày cuối tuần có vẻ vất vả hơn, vì công đoạn chuẩn bị nhiều hơn còn lương thì khá bèo. Vì đây là công việc làm giúp bạn. Bạn giúp tôi nhiều nên tôi cũng giúp lại bạn, không có nghĩa là tôi theo chủ nghĩa "bánh ít đi thì bánh quy lại", mà là bạn bè thì giúp nhau trong khả năng có thể mà thôi. Nhưng cũng vì làm công việc này mà tôi quyết định sau đó sẽ dẹp cái lò nướng, không nướng bánh trong vài tháng (cố gắng), vì cảm thấy khá mệt với việc lui cui nướng bánh ngày này qua ngày khác. Không phải tôi không thích công việc, nhưng đôi khi người ta cần 1 thời gian để nghỉ. Hơn nữa, tôi được huấn luyện cũng như đã làm công việc của 1 đầu bếp bếp mặn (tuy cũng làm ngọt) nên từ khi bị dòng đời đưa đẩy qua làm đồ ngọt, tôi đã tự mày mò khá nhiều, điều này khiến tôi cảm thấy cần 1 khoảng lặng ở giữa để trung hòa lại cảm hứng, đam mê và sức khỏe. Tôi định chuyển sang hấp bánh bao và làm há cảo (!)

Còn về mối quan hệ đang căng thẳng thì có từ nhiều phía. Nhưng đang "nóng sốt" nhất là việc đi Trung Quốc của tôi cuối tháng. Không phải với chính quyền TQ mà là với chính quyền gia đình đang sợ chiến tranh. Cơ bản là vẫn chưa ngã ngũ và tôi cũng không định làm căng đến nỗi đứt dây đàn nên chỉ đành cố hết sức thuyết phục mà thôi. 

Lúc này, mấy con chó trong xóm cứ lâu lâu lại sủa, tôi chẳng biết chúng sủa cái gì. Có khi là người qua đường. Có khi là con chuột cống to tổ chảng chạy trên đường, lục rác. Có khi chúng chỉ sủa trổng không, mà dân gian hay gọi là "sủa ma". Đèn vàng ngay ngã tư đầu ngõ heo hắt. Tôi nhớ hồi còn ở xóm lao động nhiều năm về trước, đèn đường lúc đó là bóng đèn vàng bự, trên có cái chụp như cái thau nhôm đục lỗ, rồi mắc ngang đường như thế. Ở Sài Gòn thì ít (hoặc trung tâm thì ít), chứ về quê, những bóng đèn vàng ban đêm đều bị đám côn trùng kêu là con thiêu thân hay con mù mắt hay bù lệch bao vây tứ phía. Ở trong nhà cũng vậy, dưới mỗi ngọn đèn, người ta căng 1 cái bọc nylon để hốt xác mấy con bọ chết rơi xuống. Hết 1 đêm là có 1 bọc đầy kha khá, có nhà đem cho cá ăn, có nhà chỉ đơn giản là vứt đi. Cách đây 1 tháng, tôi bị hù 1 trận nên thân khi mở cửa sổ đêm (tôi không có thói quen ngủ máy lạnh) và để cho 1 đàn ngài li ti không biết ở đâu bay vào. Mà đặc biệt là trước nay không có, đột nhiên hôm đó cả 1 đàn trăm con bay vô phòng, khiến tôi phải vừa xịt vừa đập vừa đuổi cho chúng bay đi. 

Con Đen không sủa, mà chỉ có con chó cách nhà 3 căn tự dưng sủa lên như than oán. Từ ngày con Nâu về quê, con Đen cũng buồn hẳn, không giỡn nhiều, nhưng nó ngoan hẳn ra, không quậy dữ dội như khi có con Nâu. Ban tối, lúc về nhà, tự nhiên tôi mò ra vườn, ngồi ôm con chó, hết vuốt ve đến gãi bụng, hun hít đủ kiểu, nó cũng ngoan ngoãn ngửa bụng ra rồi liếm láp tay tôi như hiểu rồi (tôi cũng không biết nó hiểu cái gì hay chỉ là ngửi thấy mùi đồ ăn còn vương lại). Ngồi ôm con chó hết 15 phút, bà con đi qua đi lại trong hẻm, chẳng biết có ai dòm ngó cái cảnh tượng 1 đứa ôm nựng con chó thu lu trong góc sân tối thui có vẻ kỳ quặc hay không. Thây kệ, chó mình mình ôm, chứ có ôm chó nhà người đâu mà sợ. Lâu lâu tôi lại hay nỏi cơn như thế, cứ ngẩn ra ôm chó hay mèo (lúc fon con Luna) rồi gãi gãi, hôn hít, dù sau đó quần áo dính đầy lông là lông. Nguời ta nói chơi với vật cưng là 1 cách giảm stress hiệu quả (hoặc tăng khả năng tự kỷ T.T), thôi kệ, cứ tin như vậy đi, lâu lâu ôm 1 cục bông ấm cũng vui vui.

Tự nhiên là nhớ đến ước mơ: có 1 ngôi nhà nhỏ có trần thật cao, cửa sổ đón nắng mai và 1 khu vuờn nhỏ trồng toàn rau quả (rất thực dụng). Đôi khi, người ta cần nhớ lại 1 vài ước mơ (to nhỏ tùy thích) để làm động lực tiến lên phía trước. Tỷ dụ như dự định ra 1 cuốn bút ký sau chuyến đi TQ là 1 ước mơ nhưng cũng là 1 mục tiêu. Tuy vậy, có thể không thành, nhưng cũng không có nghĩa là không thể, vì chủ đề có thể đổi, chỉ những ai cố chấp và hạn hẹp mới gò bó bản thân trong 1 mục tiêu nhất định. Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải thích nghi và thay đổi để không trở nên hủ lậu và cố chấp quá mức cần thiết. Tương lai là chuyện khó thể nói trước được, nhưng mục tiêu và ước mơ là thứ trong tầm tay. Bởi vậy khi có cơ hội, hãy nắm bắt lấy nó, để một mai khi già lụm khụm và rụng hết răng, người ta tự cho mình có quyền hồi tưởng quá khứ và đặt ra những giả thiết "nếu", người càng có ít những cái "nếu" tiếc nuối, là người đã thành công và thật sự có thể an hưởng tuổi xế bóng. Tôi cũng mong mình sẽ không phải trải qua những tháng ngày cuối đời chỉ để "nếu, nếu, nếu và nếu".

Friday, 29 March 2013

Whiskey và ẩm thực

Hôm qua, 29/3/12013, được bên hãng rượu Singleton mời đi event giới thiệu Single Malt Whiskey của hãng này kết hợp với 1 bữa ăn 4 món của 2 đầu bếp Dương Huy Khải và Didier Corlou. 

Event diễn ra tại Maxim club trên đường Đồng Khởi với khác mời là những doanh nhân và VIP trong ngành ăn uống. Lần này, Singleton vừa đạt giải thưởng thế giới với chai Whiskey 18 năm, là loại rượu ngon nhất trong số các loại từ 18 năm trở xuống. Hãng quyết định biến không gian tầng trên của Maxim club thành 1 nơi đặc biệt chỉ dành cho Singleton với biểu tượng con cá hồi. 

 Thiệp mời sang trọng -kim cài con cá hồi mạ vàng

Sau khi được đại diện Singleton giới thiệu về lịch sử cũng như quy trình làm rượu, khách mời được nghe 2 vị đầu bếp trứ danh giới thiệu về món ăn sử dụng và đi kèm với các loại rượu được trưng bày trong event: Single Malt Whiskey 12 - 15 - 18 năm. Mỗi đầu bếp có 1 món mặn và 1 món ngọt.

 Đầu bếp Dương Huy Khải và Didier Corlou - ông Tây nước mắm

Đầu tiên là món tôm càng sốt cà của đầu bếp Dương Huy Khải. Tôm càng được ăn kèm với sốt cà được làm với hương vị cơm rượu có thoảng hương whiskey, và bởi vì cơm rượu nên lầnd dầu tiên được thấy đó là có món xôi vò đi kèm, rất lạ. Sốt cà có vị chua ngọt, lại thêm hương rượu, làm bật lên hương vị ẩn chứa bên trong whiskey: hương vỏ cam, nho khô, hương nồng của quế, thơm của vani,... 


Món tráng miệng là Lime Sorbet - vị ngọt chua của chanh đi kèm vị hơi đắng và nồng hương rượu.


Đầu bếp Didier Corlou được thân mật gọi là "ông Tây nước mắm" mang đến 1 món bò, gan ngỗng sốt caramen. Món ăn gồm 1 miếng bò được làm vừa chín tái, mềm mại, cùng gan ngỗng đặc trưng của Pháp, bên trên có kèm 1 miếng nấm truffle đen, bắp cải cuốn thịt và 1 lớp sốt bò đông đặc bởi agar agar. Điểm đặc biệt của món ăn chính là nước số caramen, theo chef Didier, đây là lần đầu tiên ông sử dụng rượu whiskey trong món sốt này. Bởi sốt caramen vốn có vị ngọt và hậu đắng, chính nhờ whiskey mà hậu đắng dần tan mất, vị nồng thơm và hương vị ẩn trong rượu được thúc đẩy và lan tỏa trong vị ngọt caramen, một kết hợp độc đáo.


Tráng miêng là Chocolate lava cake (Moelleux au Chocolat) được làm từ sô cô la đắng, dùng kèm với loại rượu whiskey 18 năm, 1 kết hợp tuyệt vời bởi vị đắng của sô cô la thượng hạng thật sự là 1 bộ đôi song hành  tuyệt vời cùng thứ rượu đã 18 năm tuổi, nồng đượm ngất ngây nhưng lại không làm cho người ta say lập tức. 



Tôi đã đi ăn nhiều nhà hàng, bản thân là 1 đầu bếp, tôi cũng đã nấu đi kèm rượu nhưng thuờng là rượu vang. Whiskey, rum hay vodlka là những món rượu chỉ dùng trong việc ướp và thực hiện 1 số món ăn đặc biệt, vd như Gravlex. Thông thường, tôi chỉ uống whiskey và các loại rượu mạnh (spirit) khác khi đi bar, đây là lần đầu tiên dùng whiskey tại bàn ăn, kèm với các món ăn ngon lành. Singleton quả thật đã mang lại 1 trải nghiệm khá thú vị khi mời 2 đầu bếp trứ danh tạo ra những món ăn đặc biệt chỉ dành cho bữa tiệc hôm qua. Vinh dự được là 1 khách mời. Vinh dự được thưởng thức món ăn ngon. Vinh dự được thử loại rượu 18 năm nồng đượm. 

 Rượu Whiskey 12 năm

P/s: Chỉ tiếc là chai rượu 35 năm chỉ để trưng bày...

Từ trái sang phải là các chai 35 năm  -18 năm - 15 năm - 12 năm, các loại spirit khác với loại rượu vang thông thường (đa phần không thể để quá 2 năm, 1 số đặc biệt có thể để nhiều năm), càng để lâu càng nồng

Thursday, 28 March 2013

Hội chợ sách

Ngày mệt mỏi. Cơn nóng dường như chẳng chịu dứt. Trời hầm hập từ lúc nửa đêm đến giờ vẫn không tan, có khác là đêm hầm hập cái nóng của không khí ẩm bứt rứt, buổi sáng, Trời còn bồi thêm cái nắng chói chang đen da cháy tóc làm cảnh vật cỏ cây như tan chảy. Giữa trưa, người ta thậm chí còn có thể thấy những đường sóng nhiệt lẩn khuất đâu đó: trên mái nhà tôn hoặc trên mặt đường nhựa vắng người. Lặng gió.

Tôi qua đêm 1 cách khó khăn. Đến tận hơn 3 giờ sáng mới chợp mắt được 1 chốc đến 6 giờ, lại dậy cho 1 ngày bận rộn. Con thằn lằn đâu đó vẫn tắc lưỡi "chậc chậc" giữa thinh lặng đầu ngày. Tôi nhớ đến gần 15 tuổi, tôi vẫn còn tưởng âm thanh đó là của 1 loài chim đêm khốn khổ nào đó đậu trên nóc nhà. Mà thôi, dù gì bây giờ tôi cũng biết chắc nó là con thằn lằn, con thạch sùng hay con gecko hay bất cứ cái tên nào mà bạn muốn gọi. Với tôi nó là thứ 1 đầu, 1 đuôi, 4 chân bò lăn quăn trên tường để ăn muỗi và đẻ những cái trứng con con, mà hồi xưa, lâu lâu dọn kho, ngoại và mẹ vẫn thường tìm thấy và cho tôi coi, như 1 món đồ chơi, dù tôi chỉ nghĩ được rằng: dễ thương nhưng chẳng ăn được.

Công việc luôn là trách nhiệm và đam mê. Nhưng đôi khi nó đến quá nhiều cùng 1 lúc thì đam mêm dần tắt, thay vào đó là những mệt mỏi và chán nản nhưng trách nhiệm bắt người ta phải tiếp bước. Sau buổi họp, tôi định tìm giấc ngủ vội nhưng không thành công. Cơn mộng chập chờn, và tôi nghe ai đó thét gọi tên mình, bật choàng dậy mới biết chỉ là mộng. Mà không đúng, theo 1 cách nói nào đó là bị "thứ gì đó" phá. Từ hồi về nhà mới, tôi vẫn hay bị thế, nhất là khi giấc ngủ chập chờn. 

Được bạn báo hôm nay có hội sách. Vậy là thôi, bỏ giấc ngủ không thành, tôi cũng thử vận may mới hội sách. 

Hội chợ sách

Hội sách như trước giờ: đông và ồn ào. Đã mấy năm rồi tôi không có cơ hội mà cũng không còn hứng đi nữa, vì hầu hết đều ít có sách hay. Lần này, tôi lướt qua các tựa sách. Quá nửa những cuốn tôi muốn đọc thì đã có hoặc giá cũng ngang ngửa nơi tôi hay mua (dó có chiết khấu) nên cũng chẳng bận tâm lắm là mua lúc nào. Nếu sách hay, họ sẽ tái bản, chẳng phải 1 lần. Ở giữa, người ta dựng 1 cái sân khấu nho nhỏ với mấy cái ghế đệm và bàn thấp, bên dưới mấy hàng ghế nhựa, chuẩn bị cho 1 buổi giao lưu tác giả - tác phẩm. Thấy chữ trên băng rôn là Hamlet Trương và Ý Yên (hay gì đó đại loại thế). Tôi cũng không bận tâm lắm, vì từ lâu rồi, tôi không đọc sách của những tác giả trẻ nữa. Tôi không chê họ viết không hay mà là chê cái thần của họ vẫn là cái thần của sự cô đơn và luẩn quẩn. Nói theo 1 cách nào đó, họ thiếu kinh nghiệm sống và thay gì những bài văn mộc mạc nhưng sâu sắc như lớp nguời đi trước, thì họ lại trau chuốt lời văn thật đẹp, mượt như nhung, lấp lánh như sao trời, nhưng cái hồn bên trong thì lại u tối, vì những câu hỏi của họ vẫn chưa có lời đáp. Tất cả chỉ là 1 cái vòng lẩn quẩn trong tâm trí của họ nên văn của họ mang 1 mùi "tự kỷ" đặc trưng mà giới trẻ hiện nay say mê như điếu đổ. Thế nên tôi cạch, chỉ đọc của những tác giả đã có tuổi đời, vì tôi hiểu, mình sẽ học được nhiều hơn từ sự giản đơn chân chất.


Tôi đi 1 vòng hội sách, tìm được 1 cuốn của nhạc sĩ Dương Thụ với tựa đề "Cà phê mưa". Tôi nhớ mình cũng đã từng muốn mua cuốn sách này vào 1 lúc nào đấy nhưng không rõ vì sao mình lại không mua (có lẽ vì hết tiền?!). Gần đó, tôi phát hiện 2 cuốn được bọc giấy kính: Thời gian để yêu (Hamlet Trương), Thương nhau để đó (Iris Cao - Hamlet Trương). Tôi Tò mò cầm lên, trên bìa có ghi chú: tặng kèm CD. Giá cũng không đắt, vậy là tôi hốt cả 2 vì ham đĩa CD nhạc tặng kèm :p



Saiga cafe, tôi ngồi. Vẫn bàn cũ ngay cửa ra vào. Bình thiêu điểu héo queo đã bị thay bằng 1 bình hoa thủy sinh có lá to viền đỏ, tra trên mạng thì nó tên là "Hồng Ngọc". Vậy là chăm chỉ làm việc cho xong rồi bắt đầu giở sách ra xem. Mới chỉ đọc vài trang "thời gian để yêu" của HT, không tệ. Những mẫu chuyện nhỏ vụn vặt, không có cái kết nào rõ ràng, chỉ có những lời dẫn và để mở cho người đọc tưởng tượng. Ví dụ như truyện về người con đem về đồ biển cua ốc cho cả nhà, duy có ông bố không ăn nhiều vì chỉ còn 3 cái răng. Đến đây là kết, bạn đọc tự duy tưởng thêm, có thể người còn trai ôm bó òa khóc, có thể ngày mai, anh ta dẫn bố đi làm răng giả, cũng có thể anh ta lại đi công tác xa, lần này mang đồ "ăn mềm" về thì bố vừa mất,... đại loại như thế. Tôi thích cái kết mở, vì theo quan điểm của bản thân: mọi việc chẳng có gì là tốt hay xấu, chỉ có cái nhìn của còn người đối với chúng mới làm chúng trở thành tốt hay xấu dưới cảm nhận của họ mà thôi. Người vui vẻ sẽ tự tìm cho mình 1 cái kết vui vẻ, người u sầu tất sẽ trầm mình vào nỗi buồn vô vọng. Nhưng dù là gì thì cũng là sự lựa chọn của con người, và họ sẽ phải chẳng bao giờ thay đổi vì bất kỳ ai, ngoại trừ bản thân họ.



Nhưng nhạc của anh chàng HT này thì rõ là không phải gu nhạc của tôi rồi. Vậy là chủ đích mua sách để lủm hàng khuyến mãi lại thành hàng mua xài được nhưng hàng khuyến mãi thì vứt xó. Thôi kệ, lâu lâu tìm được 1 tác giả trẻ mình đánh giá tốt cũng hay. Vì khó tính quá nên tôi thường bị coi là già trước tuổi, nhưng tôi hầu như chẳng quan tâm lắm, già hơn 1 chút, trẻ hơn 1 chút, xét cho cùng cũng là kiếp người, sống cho tốt là đươc.

Lượm lặt được 1 câu trong cuốn tiếu thuyết mới đọc: "Nếu nói sinh ra là 1 sự ngẫu nhiên, thì chết đi là việc tất nhiên".

Cây "Hồng Ngọc"